Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu hướng tất yếu, đã và đang tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp của nước ta trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới. Áp dụng thành tựu nông nghiệp 4.0 là ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 (Internet, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ chiếu sáng, công nghệ robot…) vào nông nghiệp sao cho giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, an toàn môi trường, tiết kiệm chi trong quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Theo số liệu khảo sát của ngành Nông nghiệp, hiện nay nước ta đã có trên 30 khu nông nghiệp và hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC đang hoạt động. Tiêu biểu là các mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, trồng hoa, cây cảnh trong hệ thống nhà màng, nhà kính tại Bắc Ninh, Lâm Ðồng, T.P Hồ Chí Minh; trang trại sản xuất nấm quy mô lớn tại Vĩnh Phúc; vùng sản xuất lúa giống và gạo thương phẩm chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long...
Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh nên xác định một tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng trong phát triển và cân nhắc các định hướng lớn, trong đó có nội dung đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột là: Phát triển công nghiệp CNC với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; du lịch - dịch vụ, trong đó, phát triển giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế từng bước trở thành ngành quan trọng của kinh tế địa phương; phát triển nông nghiệp CNC. |
Trên địa bàn tỉnh, Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được xây dựng và triển khai thực hiện; chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đang được coi là động lực chính để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn. Cùng với việc mở rộng những mô hình như trên, nhiều nguồn lực tài chính đã được đầu tư cho ứng dụng CNC, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết, tạo ra nông sản hàng hóa đạt chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bước đầu, tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất rau quả an toàn. Tỉnh đã xây dựng được một số vùng chăn nuôi trọng điểm, đạt hiệu quả kinh tế cao như vùng chăn nuôi gà thả vườn tại Phú Bình, Định Hóa, Võ Nhai; vùng chăn nuôi lợn tại Phú Bình, T.X Phổ Yên... Đặc biệt, đối với cây chè - đặc sản mũi nhọn của tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm nâng diện tích trồng chè lên gần 22.000ha, hình thành nhiều vùng chè ứng dụng sản xuất hữu cơ. Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, nhiều dự án về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh quan tâm tạo cơ hội đầu tư; một số dự án đã được các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Đó là những tín hiệu rất tích cực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Tuy nhiên, các dự án phát triển ứng dụng CNC vẫn tồn tại nhiều bất cập. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô hộ, chủ yếu là nguyên liệu sơ chế, tỷ lệ chế biến công nghiệp thấp. Để phát triển bền vững trong nông nghiệp ứng dụng CNC thật sự đạt kết quả tốt không chỉ tùy thuộc vào nhận thức, năng lực tài chính, công nghệ, chính sách và cơ chế tổ chức, sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà đầu tư và nhà nông), mà còn tùy thuộc vào sự nhận diện, phòng tránh một số ngộ nhận và nghịch lý về ứng dụng CNC vào phát triển nông nghiệp.
Có thể kể đến như: Một số nơi việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp lại chủ yếu sản xuất ra các sản phẩm chất lượng thấp, kém sức cạnh tranh; có doanh nghiệp tùy tiện dùng giống biến đổi gien, giống kém chất lượng và lạm dụng chất kích thích, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản sau thu hoạch để làm tăng năng suất, sản lượng và hình thức mẫu mã nông sản, bất chấp hậu quả (như việc để lại tồn dư tạp khuẩn và độc tố trong nông sản, không bảo đảm vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng...). Thực trạng đó kéo theo hệ lụy tiêu cực là mặc dù nông sản rất dồi dào, phong phú nhưng lại không tiêu thụ được, trong khi người tiêu dùng thì rơi vào cảnh "thiếu" nông sản sạch, chất lượng cao; vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chưa kể đến những sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo chất lượng còn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư, tăng nguy cơ thu hẹp cánh cửa xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.
Phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu, nhưng không được phép nóng vội, rất cần sự đồng bộ và chú ý đầy đủ tới tính hai mặt của các chính sách (thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại, đầu tư, các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao, quản lý CNC trong nông nghiệp...), để bám sát và phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho nông sản, bảo vệ nông nghiệp trong nước, đa dạng hóa thị trường, khép kín các chuỗi liên kết kinh tế.
Những nghịch lý trong ứng dụng CNC vào nông nghiệp sẽ chỉ được nhận diện và khắc phục cùng với sự thống nhất nhận thức đúng đắn về nội dung, mục tiêu, sự hoàn thiện dần các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện phát triển nông nghiệp CNC của tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân liên quan. Người dân rất mong các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp CNC được thiết kế theo hướng phát huy lợi thế địa phương, hài hòa lợi ích, bảo đảm dễ tiếp cận cho mọi doanh nghiệp, hộ gia đình và mô hình nông nghiệp ở mọi vùng miền, mọi quy mô.