Với mong muốn người thân trong gia đình và người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm rau rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vợ chồng anh Đỗ Văn Đông (sinh năm 1974) và chị Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1983) đã từ bỏ công việc cho thu nhập hàng chục triệu đồng ở Hà Nội để về xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) lập nghiệp bằng việc trồng rau thủy canh. Đây là mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên trên địa bàn T.X Phổ Yên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và được người tiêu dùng đón nhận.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đông cho biết: Sau khi kết hôn, tôi làm nghề sửa chữa đồ điện tử còn vợ tôi làm vịt quay bán ở Hà Nội, thu nhập hằng tháng khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy công việc này vẫn không ổn định, trong khi tiềm năng sản xuất rau an toàn theo mô hình thủy canh lại rất lớn nên đã quyết định rời Thủ đô về quê trồng rau. Để có kiến thức, ngoài việc tự tìm hiểu trên mạng Internet, chúng tôi còn tìm đến các mô hình trồng rau thủy canh ở Đà Lạt, Đà Nẵng, Bắc Giang để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Trở về, vợ chồng tôi trồng thử nghiệm các loại rau ăn lá trong hơn 200m2 nhà kính. Sau một vài lứa thu hoạch, nguồn rau được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng để mở rộng thêm hơn 800m2 nhà kính, tăng tổng diện tích lên 1.000m2.
Tham quan mô hình nhà kính trồng các loại rau thủy canh của vợ chồng anh Đông, chúng tôi thấy hệ thống giàn trồng được trang bị hiện đại, các khu gieo ươm, khu trồng và khu thu hoạch được phân chia khoa học. Thông thường, trồng rau thủy canh có thể sử dụng hệ thống thủy canh hồi lưu, hệ thống thủy canh tĩnh hoặc hệ thống thủy canh nhỏ giọt. Căn cứ vào điều kiện thực tế của gia đình, anh chị đã lựa chọn hệ thống thủy canh hồi lưu là chủ yếu với hơn 30 giàn trồng. Với phương pháp này, rau được trồng trong các cốc nhựa nhỏ và đặt trên hệ thống giá đỡ gồm các ống nhựa trồng cây chuyên dụng kết nối với nhau thành giàn. Bên trong ống nhựa có chứa dung dịch thủy canh (gồm các nguyên tố đa lượng và vi lượng), đảm bảo khi bơm sẽ chảy dọc theo chiều dài của hệ thống ống đến nuôi từng cây rồi lại quay trở về bể chứa ban đầu.
So với cách trồng rau truyền thống thì phương pháp thủy canh đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, chi phí đầu tư cũng rất lớn, tuy nhiên tỷ lệ cây sống đạt 100% do chủ động được nguồn nước, chất dinh dưỡng, ánh sáng, tránh được các tác nhân gây sâu bệnh. Chất dinh dưỡng được phân chia đều nhau nên các loại rau thủy canh phát triển đồng đều, bảo quản được lâu hơn so với rau thông thường (trong 3 ngày).
Từ kinh nghiệm thực tế, anh Đông cho rằng, trồng rau thủy canh chỉ tốn nhiều công ở giai đoạn đưa hạt giống vào ươm, còn khi đã thành cây con thì việc chăm sóc không đáng kể bởi, không phải tưới nước, bón phân, làm cỏ, phun thuốc... Để có được sản phẩm rau thủy canh chất lượng, toàn bộ hạt giống gia đình anh nhập khẩu từ các nước Úc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, sau khi xử lý được đưa vào khay ươm trên giá thể gồm xơ dừa và mút xốp, khi nảy mầm đưa lên giàn ươm. Cây con có 3 lá bắt đầu đưa ra ánh sáng và duy trì đủ độ ẩm ổn định đến khi được 6 lá thì đưa lên giàn trồng. Thời điểm rau được 10-25 nngày có thể cắt bớt rễ để tránh tắc ống nhựa. Tùy theo từng loại rau, thời gian thu hoạch có thể từ 30-45 ngày, từ đó người trồng chú ý gối vụ để được thu hoạch rau quanh năm. Hiện nay, với trên 40 nghìn cốc nhựa (có thể trồng 1-3 cây rau/ cốc), mỗi tháng anh chị thu hoạch hơn 3 tấn rau ăn lá các loại, với giá bán trung bình 17.000-20.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu gần 40 triệu đồng. Toàn bộ rau của gia đình đều được vận chuyển đi tiêu thụ tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể ở Hà Nội.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đông cho biết: Khi bắt tay vào thực hiện mô hình này, do kinh nghiệm còn hạn chế, rau bị còi cọc, vàng úa do chưa xử lý giá thể đúng cách, điều chỉnh lượng dung dịch thủy canh chưa phù hợp. Tuy nhiên, nhờ ham học hỏi, nỗ lực và cố gắng của hai vợ chồng, những khó khăn dần được khắc phục, việc trồng rau cũng thuận lợi hơn. Trong một, hai năm đầu, lợi nhuận từ việc trồng rau chưa cao, có thể chỉ đủ để hoàn lại chi phí đầu tư nhưng quan trọng là vợ chồng tôi đã làm chủ được khoa học kỹ thuật. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng thêm khoảng 1.000m2 nhà kính để trồng rau thủy canh, mở rộng thị trường trên địa bàn các tỉnh, đồng thời đầu tư phương tiện vận chuyển nhằm giảm chi phí.
Đánh giá về mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Đông, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Thành công của mô hình trên sẽ là cơ sở để Thị xã khuyến khích, động viên các hộ dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Để mô hình thực sự mang lại hiệu quả, thời gian tới, Thị xã sẽ phối hợp với các quan chuyên môn tạo điều kiện về nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm… để người dân yên tâm sản xuất.