Về Đức Lương nghe chuyện giảm nghèo

10:58, 30/07/2018

Từ trung tâm huyện Đại Từ về xã Đức Lương chưa đầy 20 cây số, nhưng ấn tượng, vì gặp dọc đường những nương chè, bãi lúa, vạt rừng xanh ngát. Bất chợt giữa một vùng đất lớn rộng có nhà ống, nhà vuông xây san sát, ấy là trung tâm xã Đức Lương. Một đồng nghiệp của tôi thở phào vì lâu ngày trở lại, xã Đức Lương đã mang một diện mạo tươi mới.

Xã miền núi Đức Lương có 13 xóm, với 817 hộ, trên 3.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 87,8%. Nguồn thu nhập của người dân trong xã chủ yếu trông vào việc làm ruộng, trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Để giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn về kinh tế, liên tục nhiều năm nay, xã Đức Lương triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước cho người dân, đặc biệt với các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Ông Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong 2 năm gần đây, xã có 460 lượt hộ được tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của Nhà nước. Các loại vật tư, máy móc, thiết bị khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trước lúc trao cho hộ dân đều được cơ quan chức năng thẩm định, nghiệm thu. Nên khi đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của hộ dân. Kết quả là số hộ nghèo của xã giảm nhanh, từ 232 hộ năm 2015 xuống 184 hộ năm 2016, và tiếp tục giảm còn 142 hộ năm 2017.

Vào thăm gia đình bà Phạm Thị Hình, xóm Mon Đình, hỏi chuyện người dân được hưởng lợi gì từ Dự án cơ giới hoá phát triển ản xuất, thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017. Bà Hình nhìn chúng tôi giây lát, rồi cùng con gái khênh ra trước nhà chiếc máy thái đa năng madein VN 4 chân, bảo: Tham gia Dự án, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng để mua chiếc máy thái các loại rau, chuối, củ, quả để phục vụ việc chăn nuôi gà, vịt, lợn, góp phần phát triển kinh tế. Nhờ đó, gia đình tôi đã vươn lên đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Nhờ được hỗ trợ mua máy, các hộ nghèo tham gia Dự án không chỉ chủ động hơn trong công việc sản xuất của gia đình, mà còn giúp đỡ được các hộ lân cận cùng phát triển sán xuất; hoặc có thể làm thêm nghề mới, như làm dịch vụ chế biến chè, đốn phát chè, thu hái chè… cải thiện thu nhập cho gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã được thực hiện nghiêm túc, 100% số tiền hỗ trợ của Nhà nước được địa phương trao cho đúng đối tượng. Cụ thể năm 2016, trong xã có 254 hộ được hỗ trợ, với tổng số tiền gần 585 triệu đồng. Năm 2017, trong xã có 129 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện 270 triệu đồng. Các hộ nghèo được hỗ trợ đã sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích là mua sắm máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện sức khỏe cũng như thu nhập.

Chuyện hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận tiền hỗ trợ mua máy, thiết bị, nông cụ sản xuất, ông Lý Văn Hùng, Trưởng xóm Rộc Mán cho biết: Vì kinh tế khó khăn, nên các hộ chưa có tiền đối ứng, chỉ mua máy tương đương với số tiền do Nhà nước hỗ trợ. Còn ông Lê Quang Đông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã tâm đắc: Chí ít thì các hộ đã sử dụng tiền do Nhà nước hỗ trợ đúng mục đích dự án, chương trình đặt ra. Và các loại máy, thiết bị, nông cụ do người dân mua sắm đều sử dụng tốt, phát huy hiệu quả.

Bà Ma Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Đức Lương chuyên về sản xuất nông nghiệp, năm 2017 sản lượng cây có hạt của xã đạt hơn 1.627 tấn/năm, đủ cung cấp lương thực tại chỗ cho người dân. Còn cây chè, xã có 178 ha, năng suất đạt 98 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 1.744 tấn/năm. Nông dân trong xã chưa làm ra chè đặc sản, nhưng cây chè mang lại cho các hộ trồng chè nguồn thu nhập ổn định. Nên hầu hết các hộ nhận tiền hỗ trợ từ Dự án phát triển sản xuất đều đăng ký mua máy sản xuất, chế biến chè.

Mải chuyện, mặt trời đang xuống núi từ khi nào không hay, nhưng trên các triền đồi thuộc xóm Na Muồng, Cây Xoan, Chùa Chính… bóng người nông dân xã Đức Lương còn đổ dài bên nương chè. Một nông dân giải thích: Chè đến lứa hái, để qua một đêm thường bị mù xòe (nõn búp thành lá), khi chế biến thường ra chè bồm, giá bán thấp hơn so với chè móc câu, nên bà con tranh thủ thu hái cho kịp lứa. Tôi thầm nhủ: Người nông dân xã Đức Lương đã đổi thay nhiều về tư duy làm kinh tế. Bởi cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, người dân đang rất mực cần, kiệm để hướng tới một tương lai no ấm hơn.