Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm

09:04, 09/08/2018

Những năm qua, cây ớt được trồng nhiều trên địa bàn huyện Phú Bình và đang dần trở thành cây kinh tế mang lại hiệu quả cao so với nhiều loại cây rau màu khác. Hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm được hình thành đã giúp nông dân không còn rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Toàn xã Lương Phú (Phú Bình) hiện có trên 20ha diện tích đất trồng ớt. Khác với những vụ ớt thu hoạch trước đó, người dân phần thì lo sâu bệnh trên cây ớt, phần thì lo sự lên xuống thất thường của thị trường tiêu thụ ớt khiến tâm lý làm nông của người dân đã có lúc luôn ở trạng thái bất an. Bởi tuy có thời điểm ớt được giá lên đỉnh điểm đến gần 90.000 đồng/kg nhưng cũng có thời điểm giá ớt xuống thấp điểm chỉ còn 7.000 đồng/kg khiến nông dân bị thua lỗ.

Cuối năm 2017, để tìm hướng phát triển sản xuất ổn định cho người dân, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú được thành lập. Kể từ đó đến nay, qua 3 lứa thu hoạch, Hợp tác xã đã thực hiện thu mua được trên 80% sản lượng ớt của người dân trên địa bàn với giá luôn giữ mức ổn định. Dù thời gian hoạt động tương đối ngắn, nhưng Hợp tác xã đã hoạt động tương đối có hiệu quả, đã giúp nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú cho biết: Mới thành lập nên Hợp tác xã chỉ có 7 thành viên nhưng chúng tôi đã tổ chức được 6 điểm thu mua. Chúng tôi đã ký hợp đồng với bà con trồng ớt và các công ty  để thống nhất có bao nhiêu thì chúng tôi thu mua bấy nhiêu. Khác với trước mỗi điểm một giá thì nay đã có sự thống nhất chung. Vụ ớt vừa qua chúng tôi đã thu mua 200 tấn ớt, giá dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Bà Ngô Thị Bích, Xóm Phú Mỹ, xã Lương Phú (Phú Bình) chia sẻ: Trước kia gia đình tôi trồng khoai tây nhưng không có hiệu quả. Khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi chuyển sang trồng ớt thì thu nhập ổn định hơn. Được Hợp tác xã thu mua, đảm bảo đầu ra nên bà con chúng tôi rất phấn khởi.

Có thể thấy, việc thành lập hợp tác xã để cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua hoặc là tìm đầu ra cho nông sản là một chủ trương của huyện Phú Bình mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Gắn với chủ tương đó, tại một số xã trên địa bàn huyên, nhiều hợp tác xã đã và đang được chính quyền địa phương nghiên cứu tìm hiểu mô hình để tập hợp người dân thành lập hợp tác xã. Trong số đó xã Thanh Ninh, một xã có trên 40ha diện tích đất trồng ớt và hiện là xã có diện tích trồng ớt lớn nhất của huyện Phú Bình cũng đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Trạm trưởng trạm Khuyến Nông huyện Phú Bình cho biết: Được sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, Trạm Khuyến nông được giao nhiệm vụ là giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã thường xuyên liên hệ với các công ty giống và các doanh nghiệp về sản xuất nông nghiệp để chọn giống tốt và quan trọng nhất là tìm đầu ra cho bà con. Chúng tôi thường khuyến cáo với người dân nên trồng tập trung các loại cây màu để phòng trừ sâu bệnh và dễ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào để đem lại hiệu quả năng suất chất lượng cao hơn. Cho đến nay, Phú Bình có 38 hợp tác xã. Hy vọng những HTX này sẽ tiếp tục cầu nối gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế.