Nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường, từ tháng 5-2017, Thái Nguyên đã áp dụng thực hiện dán tem nhận diện sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các mặt hàng nông sản của những công ty, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, thương hiệu nông sản của địa phương ngày càng nâng cao và được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng tại thị trường trong và ngoài nước.
Trước thực trạng có nhiều thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường hiện nay, mỗi chiếc tem nhận diện sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chính là cơ sở để người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm nông sản nào đó do các cơ sở kinh doanh cung cấp trên thị trường. Bởi lẽ, quy trình để cấp chiếc tem đó được thực hiện rất chặt chẽ nhằm đảm bảo uy tín với người tiêu dùng.
Cụ thể, trước khi cung cấp tem, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản trực tiếp đến cơ sở đó kiểm tra các thông tin liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm xem có đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không, gồm: Quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vùng nguyên liệu; quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm… Sau đó, mẫu sản phẩm sẽ được lấy để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Nếu kết quả kiểm nghiệm thấp hơn giới hạn tối đa cho phép theo quy định của Bộ Y tế thì sẽ được cấp giấy xác nhận và tem nhận diện sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Ngô Văn Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh cho hay: “Định kỳ, chúng tôi sẽ đi thẩm tra việc quá trình từ sản xuất đến đóng gói của các cơ sở và lấy mẫu phân tích. Trường hợp phát hiện không tuân thủ quy định, cơ sở sẽ bị thu hồi giấy xác nhận đã cấp. Do đó, những sản phẩm có dán tem luôn được đảm bảo ATVSTP theo đúng quy định”.
Trong năm đầu tiên triển khai, Chi cục đã cấp được hơn 1 triệu tem dán nhận diện cho 35 công ty, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 32 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh chè, 1 cơ sở siêu thị, 2 cơ sở chế biến sản xuất kinh doanh rau. Các đơn vị kinh doanh tham gia đều được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm mẫu sản phẩm và in tem dán nhận diện. Năm nay, dự kiến sẽ thực hiện việc thẩm định và cấp giấy xác nhận thêm cho 25 cơ sở kinh doanh nữa. Nếu như năm ngoái, chủ yếu tuyên truyền tới sản phẩm chủ lực của tỉnh là cây chè, năm nay tỉnh sẽ hướng đến các cơ sở giết mổ, phân phối rau, quả sạch để họ đăng ký tham gia sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm hướng đến một thị trường nông sản luôn đảm bảo ATVSTP.
Mặc dù chỉ mới trải qua một năm thực hiện nhưng việc cấp tem xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn đã mang lại hiệu quả tích cực cho các cơ sở tham gia. Chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tuyết Hương, xã Hoá Trung (Đồng Hỷ) chia sẻ: Năm 2017, chúng tôi được cấp hơn 30 nghìn tem cho hơn 11 tấn chè. Những sản phẩm khi tung ra thị trường đã giúp cho khách hàng cảm thấy yên tâm, tin tưởng thương hiệu chè của chúng tôi. Tôi không cần mất nhiều tiền bạc, công sức để quảng bá sản phẩm nữa bởi chiếc tem chính là sự đảm bảo về chất lượng ATVSTP tới mọi khách hàng.
Không chỉ vậy, tham gia đăng ký sử dụng tem xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện đảm bảo ATVSTP. Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho hay: Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm chè của chúng tôi còn được các đại lý bên Canada, Mỹ, Anh nhập về tiêu thụ. Do đó, việc được Giấy chứng nhận tem nhận diện đã góp phần khẳng định thương hiệu chè sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ của chúng tôi tới khách hàng. Đây chính là động lực khiến chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, luôn đảm bảo các quy trình sản xuất được thực hiện theo đúng quy định ATVSTP. Nhờ đó, năm nay, Hợp tác xã của tôi là một trong hai cơ sở duy nhất trong tỉnh được hỗ trợ kinh phí dán tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như: thịt, cá, rau củ… nên các tem nhận diện sẽ giúp người dân dễ nhận diện và có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chị Nguyễn Thị Tâm, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên trăn trở: Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rất nhiều về các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn khiến tôi rất lo lắng mỗi khi chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình. Vì thế, tôi rất mong muốn có nhiều hơn nữa cơ sở sản xuất thực phẩm hơn nữa tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, để khi mua hàng ở bất cứ đâu từ siêu thị đến chợ đầu mối tôi cũng có thể lựa chọn được sản phẩm ATVSTP.
Có thể nói, việc dán tem nhận diện sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các mặt hàng nông sản đã bước đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, song so với tổng số hơn 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh thì số lượng các đơn vị tham gia vào quá trình này còn khá khiêm tốn và mới chỉ tập trung vào sản phẩm chè. Lý giải cho điều này, ông Ngô Văn Hậu cho biết thêm: Do là năm đầu tiên thực hiện nên nhiều cơ sở vẫn còn cảm thấy lạ lẫm, chưa hiểu rõ về quy trình, lợi ích của việc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm an toàn để số lượng các cơ sở kinh doanh với nhiều mặt hàng khác nhau sẽ ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó góp phần nâng cao uy tín về thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh tới nhiều thị trường.