Người “đẽo cày” cho thiên hạ

10:32, 13/08/2018

Nghề đúc lưỡi cày, làm cày cải tiến đã đưa ông đến nhiều vùng đất thuộc các tỉnh trong vùng Việt Bắc. Ông đến để tìm hiểu về thực địa và nhu cầu sử dụng cày lật đất của nông dân từng vùng. Ông cải tiến, sản xuất ra 3 loại cày phù hợp với điều kiện đất ruộng thụt; đất ruộng bãi bình thường và đất lẫn nhiều sỏi đá. Ông là “cha đẻ” của hàng nghìn chiếc cày được làm bằng vật liệu như ống kẽm, sắt, thép được bày bán trên thị trường. Đó là ông Vũ Văn Sơn, 65 tuổi, xóm Trám, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên).

Năm 2000, ông chính thức có chiếc cày đầu tiên xuất xưởng, bán cho nông dân trong vùng. Bà con mang sử dụng thấy gọn, nhẹ, mang vác dễ dàng, đường cày bảo đảm chuẩn xác tương đương so với cày làm bằng gỗ truyền thống. Hơn nữa, so với cày làm bằng vật liệu gỗ thì cày sắt của ông có độ bền lâu dài, không phải thay thế “linh kiện”. Vì lẽ này mà nông dân trong vùng tìm đến đặt ông làm cày với giá thỏa thuận. Ông không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc cày cung cấp cho nông dân. Mà chỉ nhớ mình đã có rất nhiều hợp đồng cung cấp cày cho các đại lý bán buôn, bán lẻ ở các tỉnh trong vùng Việt Bắc, và hiện đang có thêm hợp đồng cung cấp cày cho tỉnh miền xuôi.

Cha mẹ làm nông nghiệp, nên ông cũng như bao lực điền thôn dã một năm mấy đận vác cày ra đồng. Cày vừa nặng lại thường bị hỏng, gẫy, muốn sửa phải mất nhiều công tìm kiếm mới có một “linh kiện” thay thế phù hợp. Mà mùa vụ không đợi ai, nên nếu không có cày việc làm đất sẽ chậm lại, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Chính vì thế mà ông quyết tâm cải tiến chiếc cày cho nông dân bằng các loại vật liệu dễ tìm kiếm trên thị trường. Để thực hiện thành công, ông đã gặp một số bạn bè là kỹ sư cơ khí, kỹ thuật cơ khí để tìm hiểu về sự chịu lực của từng bộ phận trên thây cày, rồi tự lên thiết kế và bắt tay vào “chế tạo” cày. Do chịu học hỏi, nên ông đã thành công từ chiếc cày đầu tiên và bắt đầu có cuộc sống lao động bận rộn với suy nghĩ để bà con nông dân bớt khổ nhọc.

Ngoài làm cày, ông còn sản xuất răng bừa, liềm, dao, cuốc, xẻng, trang cào thóc, bừa đánh rơm hình đinh ba, đinh bốn… Vẫn nguyên tắc sản phẩm chắc, bền, giá bán phù hợp, thậm chí là thấp hơn so với cùng sản phẩm tương tự có bán trên thị trường. Vì thế nhiều người dân trong vùng gọi ông là người bạn của nông dân. Ông tâm sự: Trước khi làm nghề “đẽo cày” cho thiên hạ, tôi có 10 năm làm bộ đội quân khí, nhiệm vụ là bảo quản, sửa chữa vũ khí các loại. Công việc tạo cho tôi một thói quen tỉ mỉ, chính xác, nên khi về với cuộc đời điền dã, tôi được tiếng là người có nếp sống cẩn thận.

Cũng vì có “máu mê” đập, chặt, cắt, hàn, năm 1992 ông mạnh dạn mở cửa hiệu sửa chữa nông cụ ngay trên khu đất rộng 400m2 của gia đình, vị trí đất nằm kề bên đường trục chính của xã nên gặp nhiều thuận lợi trong giao dịch. Khách hàng đến với ông là bà con nông dân trong vùng, chủ yếu để sửa cày, bừa, liềm, dao và đặt làm thêm nông cụ mới. Đều là chỗ “tối lửa tắt đèn” có nhau, nên việc sửa chữa nông cụ cơ bản là làm giúp, tiền công chỉ đủ trả mua than, điện, vật tư. Rồi cũng do nhu cầu sử dụng của người dân, ông tự thiết kế, lắp dựng xe đạp thồ, xe bò kéo. Những chiếc xe đạp thồ do ông làm được cải tiến, thay thế toàn bộ khung, giá đèo hàng, có “tải trọng” trên 300kg. Còn xe bò, ông gia công các phần ở vành bánh, trục, lan hoa bảo đảm chắc chắn, bon nhẹ. Những xe đạp thồ, xe bò do ông dựng lắp một thời lăn bánh khắp đồng trong, đồng ngoài. Nay xe đạp thồ, xe bò không còn phù hợp trong sản xuất nông nghiệp, ông chuyển sang làm xe rùa, loại xe 1 bánh có 2 tay cầm thuận lợi cho việc vận chuyển phục vụ sản xuất.

Gắn bó với công việc lắp đặt, làm mới các loại nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên ông có thể sửa chữa được nhiều loại máy cơ giới, như máy cày, bừa liên hợp; máy gặt, đập liên hoàn; máy cắt cỏ, máy sao, vò chè… Có loại linh kiện thay thế máy trị giá hơn 10 triệu đồng, nhưng ông tự gia công, doa, giũa sửa cho khách hàng với giá hơn 100.000 đồng. Nhiều khách hàng khi mang máy đến sửa đã rất ngạc nhiên vì giá rẻ bất ngờ. Việc này ông giải thích: Tôi chỉ lấy công làm lãi. Hơn nữa, bà con nông dân làm ra hạt gạo cũng không nhàn nhã gì, nên tôi chỉ lấy một khoản tiền vừa đủ duy trì khấu hao máy móc của xưởng và tiền công cho thợ. Nhiều nông dân trong vùng có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, khi mang máy hoặc nông cụ sản xuất đến nhờ sửa chữa, tôi làm giúp không lấy tiền công.

Ông thuộc tuýp người năng động, không chịu ngồi yên, luôn sáng tạo, cải tiến để tự mình làm ra một sản phẩm mới. Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất, ông giới thiệu về từng loại máy nông cụ. Loại máy nông cụ nào cũng có loại… của ngày xưa và loại máy mới đang thịnh hành hiện nay. Loại… của ngày xưa thô, tính năng tác dụng ít; loại của ngày nay gọn, nhẹ, bền, đẹp, máy đạt công suất cao, giảm chi phí và giảm sức lao động. Ví dụ như máy thái băm thức ăn gia cầm, máy thái sắn, máy tẽ ngô liên hoàn, máy bóc lạc… Hầu hết các máy mới này được ông sử dụng vật liệu inox thay thế vật liệu bằng gỗ trước đây, nên máy có mẫu, dáng đẹp hơn, bền hơn và từng chi tiết đều hữu dụng với công việc sản xuất của nông dân.

Ông là người có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tôi nghĩ như thế vì từ lâu, trên các sản phẩm đều được ông ghi rõ các chi tiết: tên máy, chức năng máy, tên cơ sở sản xuất và số điện thoại. Ông cho biết: Người sử dụng nên biết loại máy nông cụ mình bỏ tiền mua được sản xuất ở đâu. Đồng thời thông qua đó mình quảng bá được thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng… Giây lát dừng lời ông tiếp tục câu chuyện: Cách đây ít hôm, có người bạn trở lại thăm chiến trường xưa ở Thượng Lào (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) về đã kể: Bên đó có nhiều nông dân sử dụng máy nông cụ do tôi sản xuất, như thùng quay mật ong 3 cầu, máy nghiền lá thuốc Nam chạy động cơ, máy thái băm nghiền đa năng chạy động cơ, ô doa tưới máy, máy gọt quả sấu mang tên cơ sở sản xuất của tôi. Các loại máy này tôi mới đầu tư lắp đặt từ hơn 2 năm gần đây, nhưng đã được bày bán ở nhiều thị trường tại các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc và một số tỉnh phía Nam. Riêng sản phẩm thùng quay mật ong 3 cầu, 7 tháng đầu của năm 2018, tôi xuất xưởng hơn 600 bộ (800.000 đồng/bộ).

Trong “làng cơ khí” phục vụ sản xuất nông nghiệp Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc, ông là người có tên tuổi nhờ thương hiệu sản phẩm. Nhưng ông sống khiêm tốn, chịu học hỏi và biết đúc kết kinh nghiệm. Ông không giấu nghề, luôn sẵn lòng truyền dạy cho người lao động về kỹ thuật lắp đặt máy cũng như  kinh nghiệm xây dựng thị trường. Nhờ ông, nhiều người đủ sức mở cơ sở sản xuất mới. Và ông rất vui khi chứng kiến học trò của mình trưởng thành cả về nghề và nhân cách. Nhân cách thông thái của một người “đẽo cày” cho thiên hạ.