Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngành Nông nghiệp phát triển ổn định, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được cải thiện rõ rệt.
Trở lại xã La Bằng (Đại Từ) vào một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi miền quê này đang thay da đổi thịt từng ngày. Tuyến đường lởm chởm đá, sỏi với nhiều chỗ dốc cao dựng đứng trước kia nay đã được thay bằng đường bê tông uốn lượn chạy tới tận chân núi Tam Đảo. Nhiều ngôi nhà xây khang trang mọc bên những nương chè xanh ngát. Đường điện đã vào tận tới những xóm vùng sâu, vùng xa… Gạt cầu dao công tắc điện để máy sao chè tự động quay, chị Nguyễn Thị Phượng, ở xóm Kẹm vui vẻ nói với chúng tôi: Vài năm trước, cuộc sống của chúng tôi vất vả lắm. Đường đất trơn trượt khó đi, đến lứa thu hái chè mà gặp những hôm trời mưa còn không mang ra chợ bán được. Giờ thì khác rồi, có đường bê tông thuận lợi, thương lái đã tìm vào tận nhà thu mua chè của bà con.
Trao đổi cùng chúng tôi, anh Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải được nâng lên. Vì thế, với thế mạnh phát triển cây chè, xã đã chỉ đạo người dân tập trung chuyển đổi giống chè đã già cỗi, xuống cấp sang trồng chè cành cho năng suất cao. Cùng với đó, khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ để cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn. Với sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền và người dân, năm 2012, xã đã được công nhận nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng. Đến năm 2004, La Bằng đã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với kế hoạch. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân trong xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,6% (trên tổng số hơn 1.000 hộ), giảm 19% so với năm 2010.
Cũng giống như La Bằng, Nghị quyết Trung ương 7 như luồng gió mới, tạo động lực cho các địa phương khác trong tỉnh phát huy nội lực, mang đến những đổi thay mới cho đời sống của người dân và diện mạo nông thôn. Dấu ấn đậm nét nhất trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 trên địa bàn tỉnh là kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn 6.790 tỷ đồng là nguồn vốn tỉnh ta đầu tư thực hiện Chương trình này trong giai đoạn 2011-2017. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 4.200 tỷ đồng, vốn ưu đãi của Nhà nước là hơn 460 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng nguồn vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp và các nguồn khác là hơn 10.760 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn trên, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 47,5%), bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã, tăng 10,4 tiêu chí/xã so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, tăng 11,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn 11,9%, giảm 5,8% so với năm 2010. T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế dồi rừng đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai các giải pháp, đề án cụ thể giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, xây dựng mô hình thí điểm dồn điền đổi thửa tại huyện Phú Bình. Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều mặt hàng nông sản có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu trên thị trường như: Gạo bao thai Định Hóa, gạo nếp Vải Phú Lương, Chè Tân Cương, gà đồi, nếp Thầu Dầu Phú Bình, na La Hiên (Võ Nhai), nhãn Khe Đù (T.X Phổ Yên)... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả cùng với sự gia tăng diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đã góp phần duy trì tăng trưởng và gia tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt bình quân 6,2%/năm. Cơ cấu nội ngành cũng có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Theo ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện, tỉnh ta đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ; cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp; khuyến khích nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín...
Có thể thấy, sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn không chỉ thúc đẩy kinh tế khu vực này tăng trưởng ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.