Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Thái Nguyên thực sự đã có nhiều sự đổi thay so với 10 năm về trước.
Đánh giá tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, với những quyết tâm chính trị rất cao, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã mang lại nhiều sự đổi thay trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn so với 10 năm trước.
Trong quá trình thực hiện, xuất phát từ thực tế, tỉnh đã ban hành một số cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới như hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ kinh phí cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã điểm, xã, thôn kiểu mẫu... Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Những thành tựu cơ bản
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 28/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và giành được nhiều thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật là giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 6,2%/năm, gần đạt mục tiêu đề ra vào năm 2020; giá trị sản phẩm/1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 91,4 triệu đồng/ha vượt gần 200% so với mục tiêu đặt ra đến năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 50%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 33,84 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu 2,5 lần so với mục tiêu đề ra vào năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,78%, vượt mục tiêu đến năm 2020 là 50%.
Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp. So với 10 năm trước khi thực hiện Nghị quyết số 26, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 95,94% xuống còn 93,43%; lâm nghiệp tăng từ 2,01% lên 3,48%; thủy sản tăng từ 2,04 % lên 3,08%; trong cơ cấu nội ngành Nông nghiệp có sự chuyển dịch rõ rệt ở tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Theo đó, trồng trọt giảm từ 63,63% năm 2008 xuống còn 47,87% năm 2017; chăn nuôi tăng từ 30,71% lên 44,32%, dịch vụ tăng từ 5,66% lên 7,81%.
Đáng chú ý, mặc dù diện tích gieo trồng giảm trên 600 ha, nhưng so với năm 2008 sản lượng lương thực có hạt tăng trên 50 nghìn tấn; diện tích chè tăng 4.655 ha, sản lượng chè búp tươi tăng 75.456 tấn, giá trị sản phẩm chè búp tươi tăng 75,9 triệu đồng/ha; sản lượng rau các loại tăng 112,9 nghìn tấn; sản lượng thịt hơi các loại tăng 131,81 nghìn tấn; sản lượng khai thác lâm sản tăng 105 nghìn m3; sản lượng thủy sản tăng 6.345 tấn.
Việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất; hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung với nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh, thương hiệu trên thị trường, như: nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được công bố bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan; mặt hàng Gà đồi Phú Bình và Miến Việt Cường đã được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; chè Tân Cương đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đóng góp lớn vào thành công của tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Theo đó, đã có 68/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã, tăng 10,4 tiêu chí/xã so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 11,94% (giảm 5,8% so với năm 2010).
Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, tỉnh Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là địa phương có phong trào dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất; huyện Đại Từ được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 7 tập thể và 5 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Giải quyết triệt để những hạn chế
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế như sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững, còn manh mún, nhỏ lẻ; thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm tính ổn định không cao. Đời sống của người nông dân tuy đã được cải thiện, nhưng nhìn chung còn thấp; khả năng tái nghèo còn nhiều yếu tố tiềm ẩn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; cảnh quan môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được như mong muốn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn những vấn đề phát sinh; việc huy động vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Vì vậy để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 26, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra... Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền, quán triệt triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW; Chương trình hành động số 25, ngày 28/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/4/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng thời khẩn trương tiến hành việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, đề án, mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; trong đó, xác định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện, nhất là đối với những mục tiêu, chỉ tiêu còn chưa đạt hoặc còn đạt thấp để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi những chủ trương trên.
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh là lĩnh vực quan trọng, do đó yêu cầu đặt ra là cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra nhiều cơ chế đặc thù về đầu tư phát triển một cách toàn diện, nhanh và bền vững. Trong đó coi trọng việc phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là quan trọng, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa về nông nghiệp, nông thôn.
Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường và sản phẩm an toàn; đổi mới tư duy trong sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trong đó:
Đối với trồng trọt, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng ra nhiều cánh đồng lớn” ở những nơi có điều kiện, phù hợp với quy hoạch, khuyến khích chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; liên kết, liên doanh giữa các nhà đầu tư có năng lực với người dân có đất để cùng phát triển; hình thành vùng sản xuất chè an toàn, tập trung, với quy mô lớn hơn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và thương hiệu Chè Thái Nguyên.
Đối với chăn nuôi, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển trang trại, hợp tác xã với quy mô lớn, xa khu đô thị, xa khu dân cư, phát triển chuỗi liên kết, đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường và an toàn sản phẩm.
Trong lâm nghiệp, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đồi rừng; trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thâm canh, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt; nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu ở huyện Võ Nhai, cây quế ở huyện Định Hóa; phát triển nhiều nhà máy chế biến lâm sản và có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Đối với lĩnh vực thủy sản, cần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương khai thác tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản (có gần 6.000ha để nuôi trồng thủy sản); hình thành vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, thâm canh và bán thâm canh tại huyện Đại Từ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên; đẩy mạnh nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước ở những nơi có điều kiện.
Nông dân là cốt lõi của Nghị quyết 26-NQ/TW, do đó cần chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, chú trọng nâng cao dân trí, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng nông thôn; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo bền vững; phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng.
Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ngay từ cơ sở, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, bài trừ tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn...”; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa mới ở nông thôn.
Quan tâm ưu tiên nguồn lực kết hợp lồng ghép có hiệu quả với các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng trong diện chính sách. Hằng năm cần bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng, có thể tăng thêm khi có nguồn vượt thu để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân./.