Nghề trồng và chế biến chè đã xuất hiện ở xóm Liên Cơ, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) từ những năm 60 của thế kỷ trước cùng với sự ra đời của Nông trường Chè Sông Cầu (nay là Chi nhánh Chè Sông Cầu, Tổng Công ty Chè Việt Nam). Việc tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã làm nên những cánh chè thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của làng nghề này.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng xóm Liên Cơ cho hay: Phần lớn bà con trong xóm là người dân từ mạn Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định… lên Nông trường xây dựng kinh tế mới từ hơn 50 năm trước. Đến khoảng năm 2000, hầu hết người dân chuyển hoàn toàn sang chế biến chè đặc sản thay vì cung cấp nguyên liệu cho Nông trường như trước đây. Việc tự sản xuất, tự tiêu thụ đòi hỏi bà con phải chủ động thay đổi kỹ thuật toàn bộ từ chăm sóc, chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trên cơ sở đó, được sự khuyến khích, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các hộ dân trong làng nghề đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các vùng chè nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Sau khi trở về, một số hộ đã mạnh dạn tiến hành chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các loại chè giâm cành cho năng suất và sản lượng cao. Từ một vài hộ gia đình trồng thử ban đầu, dần dần ngày càng có nhiều hộ làm theo sau khi thấy giống chè này cho năng suất và sản lượng cao hơn hẳn chè trung du. Đến thời điểm này, tổng diện tích chè của xóm đã tăng lên hơn 30ha với các giống chè giâm cành đặc sản như: Hồng Đỉnh Bạch, TRI 777, Chè Nhật, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Trong đó, 10 ha chè đang được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Được biết, một phần diện tích này nằm trong Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2017-2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên làm chủ dự án đã triển khai trồng chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 50ha chè của thị trấn Sông Cầu.
Bên cạnh đó, người dân trong làng nghề còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do tỉnh, huyện tổ chức. Việc tiếp cận các dự án hỗ trợ, phát triển cây chè đã giúp người dân thay đổi nhận thức trong trồng và chế biến, việc chăm bón ra sao, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh như thế nào đều được người dân học hỏi, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Là một trong những hộ có diện tích chè nhiều nhất trong làng nghề, anh Phạm Xuân Đức cho biết: Trước đây, chúng tôi chủ yếu chăm sóc chè bằng kinh nghiệm nên năng suất không cao, lứa thì được nhiều, lứa được ít, thậm chí bón phân, thuốc bảo vệ thực vật cũng theo cảm tính. Do vậy, chi phí bỏ ra nhiều nhưng không hiệu quả. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè VietGAP và đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 6.000m2 chè trung du sang trồng chè cành. Việc trồng chè an toàn giúp tiết kiệm khoảng 1/3 lượng phân bón so với trước kia. Thêm vào đó, các loại thuốc bảo vệ nguồn gốc thảo mộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hiệu quả nên chỉ cần sử dụng đúng liều lượng quy định là sâu bệnh hại đã không còn, lại đảm bảo an toàn cho người sản xuất và sử dụng. Trung bình mỗi lứa, gia đình tôi thu được khoảng 1,8-2 tạ chè búp khô. Với giá bán trung bình từ 150-180 nghìn đồng/kg, cây chè đang đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi.
Cùng với việc thay đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc, phương pháp chế biến cũng được người dân cập nhật theo thị hiếu người tiêu dùng, cải thiện về chất lượng và hình thức sản phẩm. Gặp chúng tôi khi đang hối hả đóng hàng để kịp chuyển cho khách tỉnh xa, chị Nguyễn Thị Thúy cho hay: Trước kia, người dân thường hái chè rất dài, khoảng 7-8cm/búp do quen làm chè cho Nông trường, do vậy cánh chè búp sau khi sấy rất to, kém hấp dẫn. Nhận thức được điều đó, nhiều người dân đã cải tiến kỹ thuật, búp chè được hái ngắn lại (1 tôm 2 lá hoặc 1 tôm 1 lá), chè sau khi hái được xén bằng và tiếp tục chăm sóc để nhanh tạo búp, việc canh lửa, thời gian sao sấy cũng được thực hiện tỉ mỉ. Do vậy, chè làm ra cánh nhỏ, có hình thức đẹp hơn, không thua kém chè được sản xuất tại các vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng… Nhờ vậy, chè làm ra đến đâu đều được thương lái từ khắp nơi tìm đến tiêu thụ hết đến đó. Nhiều hộ đã đầu tư máy hút chân không, đóng gói tại nhà, dán nhãn cho sản phẩm ghi đầy đủ thông tin về Làng nghề để người tiêu dùng tiện truy rõ nguồn gốc.
Với sự phát triển của nghề trồng và chế biến chè ở xóm Liên Cơ, tháng 7-2015, UBND tỉnh đã quyết định công nhận xóm Liên cơ trở thành làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh. Sau khi được công nhận, làng nghề truyền thống đã được tiếp cận nhiều hơn với các dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật, máy móc để phát triển. Chứng kiến bà con làm chè, chúng tôi thấy rõ việc cơ giới hóa dần thay thế từ chảo gang, tôn phẳng, sao bằng tay xưa kia. Được biết, hiện tại, 100% các hộ dân (hơn 40 hộ) trong làng nghề đều đã đầu tư tôn quay, máy vò chè bằng inox. Nếu như trước đây, người trồng chè quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn thì nay cây chè đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình trong xóm. Hầu hết các hộ trồng chè ở đây đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa đồ đạc, xây dựng nhà khang trang. Tỷ lệ hộ khá đạt trên 80%. Thu nhập bình quân của người dân trong làng nghề hiện đạt 2,8-3 triệu đồng/người/tháng (cao hơn mức bình quân năm 2016 là 0,8 triệu đồng/người/tháng).
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) cho biết: Làng nghề chè truyền thống xóm Liên Cơ là một trong số bốn làng nghề truyền thống trên địa bàn đã được UBND tỉnh công nhận. Những năm qua, các hộ dân trong làng nghề đã có nhiều thay đổi về nhận thức, cách làm để có được những sản phẩm thơm ngon, chất lượng tốt. Thời gian tới, chúng tôi có định hướng hỗ trợ người dân mở rộng diện tích chè an toàn, sản xuất theo phương pháp hữu cơ, hướng tới sản xuất các sản phẩm cao cấp, đồng thời, xây dựng thương hiệu vững chắc cho làng nghề, góp phần đưa chè thị trấn Sông Cầu nói chung, chè Làng nghề truyền thống xóm Liên Cơ nói riêng ngày càng vươn xa.