Nhằm tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp để thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống trong khu vực lòng hồ Núi Cốc, từ tháng 3-2018, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai Dự án trồng hoa du lịch sinh thái trên đảo trong lòng hồ. Đến nay, Dự án bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.
Đến tham quan mô hình trồng hoa trên đảo ở lòng hồ Núi Cốc, chúng tôi không khỏi ngõ ngàng bởi giữa mênh mông biển nước, một đảo nhỏ hình bát úp hiện lên với đủ màu sắc sặc sỡ của các loại hoa. Có sắc đỏ của hoa mào gà, sắc hồng, cam, tím của hoa mười giờ, sắc vàng của hoa cánh bướm. Trên đỉnh đảo, một chiếc chòi lá cọ được dựng lên gọn gàng, có bàn, ghế và nước uống cho du khách nghỉ chân. Không khí thật trong lành, dễ chịu. Vừa cùng nhóm bạn khám phá các loài hoa và chụp ảnh, chị Nguyễn Khánh Linh, ở tổ 2, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) vui vẻ nói: Nhiều lần vào hồ Núi Cốc nhưng đây là lần đầu tiên em có cảm giác thú vị đến vậy. Nếu như trước đây chỉ có màu xanh của các đồi keo đổ bóng xuống mặt hồ thì nay được đi thuyền ra đảo ngắm nhìn các loài hoa thật lãng mạn và thơ mộng. Em hy vọng tất cả các đảo trong lòng hồ, mỗi đảo đều trồng được các loại hoa như thế này, lồng ghép với các hoạt động như trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực đặc sản của địa phương... chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Vừa cùng du khách tham quan, chia sẻ các công đoạn trồng, chăm sóc các loài hoa, anh Trần Hữu Trung, trú tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ), chủ mô hình trồng hoa trên đảo ở xóm Rộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trước đây, tôi đã có ý định trồng hoa nhưng cũng chưa biết bắt đầu từ đâu và trồng những loại hoa gì cho phù hợp. Tham gia mô hình, được hỗ trợ giống, vật tư phân bón, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, từ tháng 3-2018, gia đình tôi đã trồng thử nghiệm trên đảo có diện tích 1ha, với các loại hoa như mào gà, cúc, mười giờ, hoa bướm. Đồng thời, lắp đặt đường dây điện, hệ thống tưới tự động, làm đường lên mô hình, chòi nghỉ chân. Không giống như ở vùng bãi bằng phẳng, trồng hoa trên đảo có độ rốc lớn, khả năng giữ nước kém nên gia đình tôi thường xuyên phải tưới nước mỗi ngày 1 lần vào chiều tối hoặc sáng sớm. Ngoài ra, hoa mười giờ và hoa bướm sau khi trồng hay bị dế dũi cắn ngang gốc cây trong giai đoạn còn non nên phải trồng đi, trồng lại nhiều lần. Thời điểm bắt đầu trồng hoa, trời nắng to, tôi phải dùng lưới đen để che và thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để tưới hoa. Đến khi hoa nở đẹp, vào thàng 7, tháng 8 thì lại gặp trời mưa, hoa dễ bị dập, nát. Tuy vậy nhưng tôi không nề hà khó khăn, vất vả, luôn chăm sóc cho hoa nở đẹp. Du khách đến tham quan ai cũng cảm thấy vui vẻ, thích thú nên tôi cũng cảm thấy vui lây. Hiện, chúng tôi vẫn đang mở cửa đón khách tham quan miễn phí để giới thiệu mô hình chứ chưa thu vé. Nếu việc trồng hoa thuận lợi, hoa vụ đông nở đẹp chúng tôi sẽ tiến hành thu vé và mở thêm các dịch vụ như trông giữ xe, bán nước, đồ ăn vặt để có thêm thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết: Mô hình Trồng hoa du lịch sinh thái trong vùng lòng hồ Núi Cốc vụ hè năm 2018 lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế là khu du lịch trọng điểm Quốc gia, có đông đảo du khách đến tham quan nên việc trồng hoa trên đảo trong lòng hồ Núi Cốc sẽ có tiềm năng phát triển hơn ở những địa điểm khác. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, các loại hoa đều sinh trưởng và phát triển tốt, từng bước tạo được cảnh quan du lịch sinh thái cho vùng hồ. Trong vụ đông - xuân tới đây, chúng tôi sẽ cùng với bà con nông dân tiếp tục triển khai trồng các loại hoa cải, tam giác mạch... Du khách khi đến tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh sẽ phải trả chi phí với mức giá phù hợp, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân sống trong khu vực lòng hồ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông để đông đảo du khách biết đến; đồng thời, khuyến khích, vận động bà con tự bỏ vốn trồng hoa để tạo nên các điểm kết nối trong khu vực lòng hồ.
Có thể thấy, mô hình trồng hoa để phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch không phải là việc làm mới. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số cá nhân ở các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, T.P Thái Nguyên tự bỏ vốn trồng các loại hoa như hướng dương, tam giác mạch... Tuy nhiên, do phát triển tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản nên các mô hình chỉ tồn tại được trong vòng 1, 2 vụ. Hy vọng, với sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, cộng với sự năng động, nhạy bén của bà con, mô hình trồng hoa du lịch sinh thái trong khu vực lòng hồ Núi Cốc sẽ được nhân rộng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây.