Nguy cơ mất an toàn tại các hồ, đập vừa và nhỏ

13:57, 13/09/2018

Hiện nay, nhiều công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do không được đầu tư tu bổ thường xuyên nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, lực lượng quản lý trực tiếp các hồ, đập đa phần không có trình độ chuyên môn, chưa nắm vững được các quy trình quản lý vận hành hồ, đập nên cũng gặp khó khăn trong xử lý khắc phục khi có sự cố xảy ra.

Hiện, trong tổng số 1.271 công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh thì có tới 1.189 công trình (gồm: 211 hồ chứa, 715 đập dâng, 263 trạm bơm tưới) do UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý; còn lại do Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên phụ trách. Bên cạnh các hồ, đập lớn, trọng điểm được kiểm tra, sửa chữa thường xuyên thì nhiều công trình thuỷ lợi do UBND huyện, xã quản lý với quy mô vừa và nhỏ, xây dựng từ nhiều năm về trước bằng phương pháp thủ công, kỹ thuật hạn chế… đã xuống cấp, không còn phù hợp với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay.  

Đơn cử như hồ Thâm Quang, xóm Bo Chè, xã Hợp Thành (Phú Lương) được xây dựng từ năm 1980, rộng khoảng 6ha, được sử dụng với mục đích tưới tiêu cho 6 xóm với hơn 40ha đất nông nghiệp. Nhưng 5 năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa bão, đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ đập; hồ chứa bị bồi lấp làm giảm khả năng tích nước; hệ thống cống nước bị rò rỉ; tràn xả lũ và van điều tiết xuống cấp không đảm bảo điều tiết phục vụ sản xuất. Sinh sống tại đây và nhận thầu diện tích mặt hồ để nuôi cá 13 năm nay, gia đình anh Nguyễn Huy Trung, xóm Bo Chè, xã Hợp Thành (Phú Lương) đã phải chịu tác động trực tiếp từ việc xuống cấp của hồ. Anh Trung cho biết: Vào hè năm ngoái, mưa bão xảy ra đã cuốn hết các mái bờ và con đường mòn đi vào hồ, khiến chúng tôi phải men theo đường rừng để đi mua nhu yếu phẩm và đưa con đến trường. Sau đợt đó, chúng tôi vừa bị mất cá, vừa phải chủ động đắp lại bờ đất; dùng cây gỗ, đá và bao tải cát kè lại mái bờ cho chắc chắn nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, tuổi thọ công trình và tác động của động thực vật (như tổ mối, cây trồng ven bờ…) thì công tác quản lý còn nhiều bất cập cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn tại các hồ, đập vừa và nhỏ. Tại một số địa phương, lực lượng cán bộ thuỷ lợi thực hiện công tác quản lý nhà nước tại cấp huyện, xã còn thiếu nên các công trình không được theo dõi sát sao và sửa chữa thường xuyên. Bên cạnh đó, phần lớn các công trình thuỷ lợi của UBND huyện đều được giao cho UBND các xã, thị trấn phụ trách nhưng lực lượng trực tiếp quản lý lại được uỷ thác hoàn toàn cho tổ thuỷ nông, trưởng xóm hoặc các hộ dân nhận thầu diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Trong khi đó, đa số lực lượng này đều thiếu kiến thức chuyên môn nên chỉ nhận diện vấn đề tại các công trình thuỷ lợi bằng hình thức quan sát, không có thiết bị đo đạc hay tài liệu thuỷ văn.

Vốn là tổ trưởng tổ thuỷ nông quản lý trực tiếp hồ Thâm Quang, công việc thường xuyên của anh Nguyễn Xuân Thuỷ, Trưởng xóm Bo Chè, xã Hợp Thành (Phú Lương) chủ yếu là: Đóng, tháo nước cho người dân vào mùa vụ; kiểm tra công trình trước khi có mưa bão, nếu có hiện tượng không an toàn thì báo cho chính quyền xã. Anh Thuỷ chia sẻ: Mặc dù đã tham gia lớp tập huấn về công tác quản lý hồ, đập nhưng tôi cũng không hiểu nhiều lắm, chỉ nắm được 1 số kiến thức chuyên môn đơn giản. Còn mức độ xuống cấp và quy trình khắc phục các công trình đúng kỹ thuật như thế nào thì tôi không biết.

Sự bất cập trong công tác quản lý đã khiến nhiều công trình thuỷ lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có thiên tai xảy ra. Chính quyền và người dân ở địa phương cũng mong muốn nâng cấp chất lượng các hồ, đập nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chỉ có thể khắc phục tạm thời hoặc “ngồi chờ” nguồn vốn đầu tư. Ông Hoàng Văn Nhàn, Trưởng thôn Nà Kéo, xã Quy Kỳ (Định Hoá) cho hay: 17ha đất sản xuất của 2 thôn Nà Kéo và Bản Cọ đều phụ thuộc vào nguồn nước điều tiết từ Hồ Nà Kéo. Trải qua thời gian dài sử dụng, thân và mái đập đã có hiện tưởng xói lở nhưng không nhiều nên chúng tôi chủ quan, không kịp thời duy tu. Vì thế, đợt mưa lớn vào năm 2014 đã nhanh chóng vùi lấp toàn bộ thân đập và ruộng nương, khiến bà con vô cùng bàng hoàng. Từ đó đến nay, chính quyền xã cũng chỉ hỗ trợ được gần 25 triệu đồng để chúng tôi làm lại bờ đất, kênh mương, mở thêm đường thoát nước. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, hiện tượng sạt lở ở chân đập lại tiếp tục diễn ra. Vì thế, bà con ở xóm luôn mong muốn được đầu tư xây dựng bờ đập và hệ thống thoát nước kiên cố để ổn định sản xuất.

Theo ông Ngô Văn Ban, Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có 2 yếu tố chủ yếu dẫn đến công trình xuống cấp đó là thiếu kỹ sư thuỷ lợi ở những phòng chuyên môn tại cơ sở; nguồn kinh phí để duy tu thường xuyên rất hạn hẹp nên chỉ có thể tập trung đầu tư vào những hồ, đập trọng điểm và mang tính cấp bách. Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn trên, Ngành đang đề xuất phương án với tỉnh phân cấp lại cho Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên trực tiếp quản lý, khai thác bảo vệ các hồ chứa, đập dâng có diện tích tưới trên 30ha hoặc hơn 10ha để đảm bảo các công trình hoạt động an toàn, hiệu quả.

Trên thực tế, ngoài những thực trạng trên thì ý thức của một bộ phận người dân trong việc quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi vẫn còn kém,  thường xuyên vi phạm lấn chiếm hành lang công trình hồ, đập và ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, bên cạnh tăng cường sự quản lý của nhà nước, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức sử dụng nước, tích cực phối hợp với chính quyền trong việc quản lý và  bảo vệ các công trình thuỷ lợi để hạn chế được tối đa thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.