Thời điểm này, nông dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang tập trung chăm sóc cây trồng Đông. Để giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, T.P Thái Nguyên đã có các cơ chế hỗ trợ về giá giống, vật tư nông nghiệp và kinh phí xây dựng nhà lưới, nhà kính...
Những ngày này, trên khắp cánh đồng thuộc các xã vùng ven của T.P Thái Nguyên, đâu đâu chúng tôi cũng thấy nông dân tất bật gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông. Đang vun những luống cà chua trên thửa ruộng của gia đình, anh Phạm Anh Dũng, tại cánh đồng xóm Huống Trung, xã Huống Thượng ngơi tay, trò chuyện với chúng tôi: Vụ Đông năm nay, gia đình tôi trồng 3 sào cà chua sớm, nhưng do mưa nhiều nên tôi phải vun luống cao nếu không cây sẽ úng nước rất dễ bị hỏng.
Còn tại cánh đồng xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, ngoài diện tích rau xanh, nhiều thửa ruộng được nông dân che chắn cẩn thận bằng nhà màng để trồng hoa. Đang nâng niu từng khóm cúc mới được ươm trồng, chị Nguyễn Thị Luyến, xóm Bến Đò vừa chia sẻ: Trước đây, toàn bộ diện tích trên 2 sào ruộng soi được tôi trồng cải bắp và xu hào, nhưng mấy năm gần đây, nhận thấy thị trường hoa tươi rất dễ bán lại cho thu nhập cao, nên vụ Đông này tôi đã chuyển toàn bộ sang trồng hoa cúc và hoa ly, dự kiến sẽ kịp phục vụ Tết Nguyên đán.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, vụ Đông thường được nhiều địa phương trên địa bàn T.P Thái Nguyên coi là vụ sản xuất chính, quan trọng trong năm để tăng thu nhập. Ông Mã Quốc Hùng,Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Năm nay, ngoài diện tích trồng hoa, kế hoạch của T.P Thái Nguyên là gieo trồng 1.464ha rau, màu các loại. Để thực hiện vụ Đông thắng lợi, ngay từ đầu tháng 8, chúng tôi đã tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất vụ Đông.
So với những năm trước, diện tích cây trồng vụ Đông năm nay của T.P Thái Nguyên tăng khoảng gần 1.000ha, do 5 xã, thị trấn của các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình sáp nhập về Thành phố. Trong đó, 3 xã thuần nông: Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên nằm ven sông Cầu đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh rau và hoa từ rất lâu đời. Hiện nay, đối với các xã mới sáp nhập về T.P Thái Nguyên đang được Thành phố quan tâm dành một nguồn kinh phí khá lớn để tu bổ lại các tuyến kênh mương nội đồng, khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng phấn khởi: Những năm trước, kênh mương nội đồng trên địa bàn xã Huống Thượng chưa được đầu tư nhiều nên những chân ruộng cao không chủ động được nước tưới, năng suất rất bấp bênh. Năm nay, xã được đầu tư xây dựng 1.300m kênh mương nội đồng, công trình sắp hoàn thành, chắc chắn bà con lấy nước canh tác sẽ thuận lợi hơn, từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong việc mở rộng diện tích sản xuất vụ Đông.
Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, vụ đông này, nhiều chương trình, mô hình hỗ trợ, phát triển nông nghiệp tiếp tục được Thành phố triển khai. Cụ thể, Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà kính, nhà lưới của Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phường Đồng Bẩm, với diện tích hỗ trợ 1.984m2; hỗ trợ 50% kinh phí làm nhà lưới di động sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao cho nông dân tại xã Huống Thượng, phường Đồng Bẩm, với diện tích hỗ trợ 3.600m2; hỗ trợ giống hoa tươi chất lượng cao tại các phường, xã: Đồng Bẩm, Huống Thượng, Đồng Liên (với cơ chế Nhà nước hỗ trợ giá giống 50%, nhân dân đối ứng 50%). Ngoài ra, Thành phố cũng triên khai hỗ trợ giống, vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Linh Sơn, Đồng Liên, Huống Thượng, Đồng Bẩm, với diện tích 12ha (cơ chế Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống, 40% vật tư); chương trình hỗ trợ giá giống để trồng 10ha khoai tây vụ Đông…