Những ngày này, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch nông sản vụ đông để phục vụ thị trường Tết và giải phóng đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Trò chuyện với bà con, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi các mặt hàng nông sản làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Đến cánh đồng xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ), chúng tôi được chứng kiến khung cảnh bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch sản phẩm của các loại cây màu vụ đông (như ngô, củ đậu, cà chua, bắp cải, su hào…) để đem ra chợ bán. Chị Bùi Thị Tươi, một người dân trong xóm chia sẻ: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng được 3 sào ngô nếp và 1 sào cà chua. Những năm trước, các loại rau màu vụ đông thường được giá vào đầu vụ, nhưng cuối vụ lại rớt giá rất nhiều, có khi chúng tôi phải nhổ bỏ. Đến năm nay, giá bán các loại nông sản trong những ngày cuối vụ vẫn giữ mức ổn định, nhờ đó các hộ có thêm nguồn thu. Cụ thể, với giá bán bình quân 15 nghìn đồng/kg, 1 sào cà chua nhà tôi cho thu nhập trên 7 triệu đồng, còn ngô nếp bán tại ruộng với giá từ 3-4 nghìn đồng/bắp. Chúng tôi rất phấn khởi vì nông sản vụ đông năm nay được giá lại dễ tiêu thụ. Các nhà khác trong xóm trồng củ đậu thì bán được với giá bình quân 6 nghìn đồng/kg...
Tương tự, tại cánh đồng tổ 14, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên), các loại rau màu như bắp cải, su hào, cà chua, súp lơ và ngô cũng đã được thu hoạch. Chị Phạm Thị Thu, một hộ dân trong tổ nói: Vụ đông năm nay, đầu vụ có mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, trồng các loại rau màu. Nhà tôi trồng 3 sào ngô nếp, tuy cây mọc không được đồng đều bằng năm ngoái nhưng bán được giá, trung bình 4 nghìn đồng/bắp, một sào ngô cũng cho thu hơn 5 triệu đồng, cao gấp 2, 3 lần so với trồng lúa.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ đông năm nay, toàn tỉnh trồng được trên 15.300ha cây màu các loại (đạt trên 90% kế hoạch); trong đó, ngô hơn 5.570ha, khoai lang 2.450ha; rau các loại gần 6.500ha; còn lại là các loại cây khác như: khoai tây, lạc, đậu tương... Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, các mặt hàng nông sản có giá cả tương đối ổn định và dễ tiêu thụ. Cụ thể: Bắp cải có giá 10 nghìn đồng/kg; su hào 12 nghìn đồng/kg; súp lơ 12-15 nghìn đồng/chiếc; cà rốt 10 nghìn đồng/kg; cải cúc 12 nghìn đồng/kg; rau cải ngồng 15 nghìn đồng/kg; hành củ 25 nghìn đồng/kg; cao nhất là hành lá 40-50 nghìn đồng/kg… Với mức giá này, bà con nông dân có thu nhập trung bình từ 5-10 triệu đồng/sào tuỳ loại nông sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Trong vụ đông năm nay, các đối tượng gây hại như: Sâu đục thân, sâu đục bắp, bệnh khô vằn trên cây ngô gây hại thấp và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại rau ăn lá, ăn củ ưa lạnh cũng bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và tình hình thời tiết. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra đồng ruộng, ra văn bản và hướng dẫn nhân dân kịp thời phòng trừ các đối tượng dịch hại, không để phát sinh trên diện rộng gây ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, hiện nay, chúng tôi cũng đang phối hợp với các địa phương đôn đốc bà con khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ đông đã đến kỳ thu hoạch để giải phóng đất, lấy nước đổ ải chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân và các cây trồng khác theo đúng khung thời vụ đã đề ra.
Từ thực tế cho thấy trong những năm gần đây, vụ đông đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “được mùa - mất giá”, bà con cần tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng ngay từ đầu vụ. Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ trong sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản; hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho một số nông sản chủ lực của tỉnh.