Định Hóa: Nhiều khó khăn trong phòng, chống bệnh lở mồm long móng

18:25, 24/02/2019

Thời gian qua, trước việc bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện trên địa bàn, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của huyện Định Hóa đã khống chế không để bệnh lan ra diện rộng. Tuy nhiên, từ thực tế, chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống dịch bệnh LMLM của huyện đang gặp nhiều khó khăn.

Tháng 1-2018, bệnh LMLM đã xảy ra trên đàn gia súc của 42 hộ chăn nuôi tại 2 xã Quy Kỳ và Kim Phượng với tổng số gia súc bị nhiễm bệnh 100 con, trong đó, 41 con lợn buộc phải tiêu hủy. Từ giữa tháng 12-2018 đến nay, bệnh LMLM lại tiếp tục xuất hiện trên địa bàn huyện với tổng số gia súc bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy gần 200 con. Hiện nay, mặc dù bệnh LMLM đã cơ bản được khống chế (từ ngày 4-2 đến nay không phát sinh thêm ổ bệnh mới), tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Xuân Việt, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Định Hóa cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, bà con chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ là chủ yếu nên việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vật nuôi bị bệnh, bà con thường không khai báo mà tự mua thuốc về điều trị. Khi điều trị không khỏi, gia súc bị chết mới báo cáo cho chính quyền địa phương khiến dịch bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng. Không ít hộ chăn nuôi, khi gia súc bị bệnh chết còn không báo cho chính quyền địa phương mà tự ý đem đi chốn lấp, tiêu hủy nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, lực lượng thú ý viên cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 1 tổ trưởng tổ thú y và 2 thú y viên. Lực lượng này do Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh ký hợp đồng theo từng năm và giao về cho Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện trực tiếp quản lý và chỉ đạo. Theo đánh giá của Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện, những năm qua, lực lượng thú y viên cơ sở thực sự là cánh tay đắc lực góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng này còn thấp. Tổ trưởng Tổ thú y xã hưởng mức phụ cấp khoảng 1 triệu đồng/tháng; thú y viên hưởng mức phụ cấp khoảng 400 nghìn đồng/tháng. Mức phụ cấp thấp trong khi khối lượng công việc nhiều khiến cho nhiều cán bộ thú y viên cơ sở chưa thực sự gắn bó và tâm huyết với công việc. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, hơn 70 cán bộ thú y viên cơ sở trên địa bàn huyện Định Hóa đã hết hợp đồng lao động nhưng chưa được Chi cục Chăn nuôi - Thú Y tỉnh ký hợp đồng mới khiến cho một số cán bộ thú y viên cơ sở đã phải nghỉ việc. Chị Lưu Thị Hoài Anh, Tổ trưởng Tổ thú y xã Bộc Nhiêu là một trong số đó. Chị cho biết: Tôi có bằng Trung cấp Chăn nuôi - Thú y và đã gắn bó với công việc này hơn 10 năm qua. Đầu năm 2019, tôi đã phải xin nghỉ việc vì mức thù lao quá thấp.

Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc của huyện Định Hóa đó là tình trạng thiếu vắc xin tiêm phòng. Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện, năm 2018, huyện được cấp 14.000 liều vắc xin LMLM. Trong khi đó, tổng đàn gia súc của huyện là  58.000 con (44.957 con lợn; 12.135 con dê; 5.379 con trâu và 4.706 con bò). Với lượng vắc xin được cấp, Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện chủ yếu tập trung tiêm phòng cho đàn trâu, bò và một số lợn đực giống, lợn nái. Cuối năm 2018, khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, huyện tiếp tục được cấp bổ sung 7.100 liều vắc xin tiêm phòng và 200 lít hóa chất tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, lượng vắc xin và hóa chất được cấp bổ sung cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Trong khi đó, người dân không thể mua được vắc xin tiêm phòng ngoài thị trường do từ cuối năm 2018 đến nay, loại vắc xin này rất khan hiếm, các đại lý thuốc thú y trên địa bàn huyện đều không nhập được hàng để bán cho người dân.

Có thể nói, những khó khăn nêu trên là một trong những nguyên nhân khiến bệnh LMLM xuất hiện trên đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa. Trước thực trạng nêu trên, thời gian tới huyện Định Hóa cần được sự quan tâm nhiều hơn của ngành Nông nghiệp cũng như có những giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác phòng chống bệnh LMLM.