Năm 2018, trong kế hoạch, huyện Đồng Hỷ có xã Hóa Trung và 2 xã đăng ký bổ sung là Văn Hán và Nam Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến cuối năm, kết quả Đoàn thẩm định của tỉnh cho thấy, cả 3 xã trên đều đã đạt chuẩn NTM. Diện mạo NTM nơi đây ngày một đổi thay rõ nét.
Đến Nam Hòa vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự thay đổi của xã 135 này. Nhất là hệ thống đường giao thông trên địa bàn, các trục đường xóm, liên xóm đã được đổ bê tông, thay thế cho những con đường đất lầy lội trước kia. Trên những mảnh ruộng đã có thời điểm từng bị bỏ hoang thì nay những diện tích này đều được phủ kín bởi màu xanh của các loại rau.
Thu nhập là một trong những tiêu chí mà Nam Hòa luôn quan tâm thực hiện từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM. Bởi lẽ, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo lúc đó chiếm tới 22,3% (theo tiêu chí cũ). Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, Nam Hòa đã tập trung nâng cao giá trị sản phẩm chè bằng cách đưa vào trồng nhiều giống chè giâm cành cho năng suất, chất lượng; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế (như: rau an toàn, nuôi gà an toàn sinh học, trồng bưởi, khoai tây...); tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi (toàn xã có gần 1.000 lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh)... Với những giải pháp trên, đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,3%.
Cùng xuất phát điểm như Nam Hòa với mức thu nhập bình quân đầu người trên 11 triệu đồng/người/năm, xã Văn Hán cũng đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân ngay khi triển khai thực hiện Chương trình. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chè và rừng là thế mạnh của xã Văn Hán, đặc biệt là cây chè. Do đó, những năm vừa qua, xã đã ưu tiên đầu tư cho cây chè. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống từ chè trung du kém chất lượng sang trồng chè giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.000ha thì có tới gần 80% diện tích là chè cành. Ngoài ra, địa phương đang tập trung phát triển các làng nghề chè nhằm quảng bá sản phẩm chè ra thị trường, phấn đấu trong năm 2019, 17/17 xóm đều được công nhận làng nghề chè truyền thống (toàn xã hiện có 14/17 xóm được công nhận làng nghề chè và làng nghề chè truyền thống).
Song song với việc nâng cao thu nhập, các tiêu chí khác như: Môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; cơ sở vật chất văn hóa; văn hóa, giao thông.... cũng được xã Văn Hán quan tâm thực hiện. Riêng ở tiêu chí Môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, xã Văn Hán đã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh,... cùng vào cuộc thực hiện.
Khác với Nam Hòa và Văn Hán, xã Hóa Trung có kế hoạch về đích nông thôn mới trong năm 2018. Tuy nhiên, là xã miền núi, không thuộc diện ưu tiên nên các chương trình hỗ trợ và nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Mặc dù xã có tuyến Quốc lộ 1B chạy qua nhưng không phải điểm tập trung dân cư, địa hình bán sơn địa nên không thuận lợi cho phát triển hạ tầng và thương mại dịch vụ... Chính vì vậy, giải pháp của xã Hóa Trung là tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn xã đã có các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp lớn như: Mô hình nhãn ghép tại xóm Na Long, Phúc Thành; nuôi ong lấy mật ở các xóm với 5.000 đàn; trồng và chế biến chè tại các xóm La Vương, Đồng Tẻ, xóm Mới; chăn nuôi lợn thịt, gà (trên địa bàn xã có 6 trang trại, 11 gia trại)... Ông Phạm Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để thực hiện Chương trình, địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn, đặc biệt là huy động nội lực từ nhân dân. Trong số hơn 61 tỷ đồng tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới thì có tới 1/3 là do nhân dân đóng góp. Chính vì huy động được nội lực từ nhân dân nên ý thức giữ vững các tiêu chí sẽ được bà con thực hiện tốt hơn.
Với sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cả 3 xã Hóa Trung, Văn Hán và Nam Hòa đến nay đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Thực hiện Chương trình này, huyện đã chỉ đạo không để nợ đọng xây dựng cơ bản - đây được xem là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của huyện, các địa phương và nhân dân của 3 xã trên.
3 xã Văn Hán, Nam Hòa và Hóa Trung về đích đã góp phần nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Đồng Hỷ lên 8 xã. Diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi thay, kết cấu hạ tầng nông thôn được nâng lên, nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 19,18% đầu năm 2018 xuống còn 13,39% cuối năm 2018...