Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Do áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy lúa nên việc sản xuất của bà con đỡ phần vất vả.
Sáng mùng 8 tháng Giêng, không khí trảy hội, vui xuân vẫn rộn ràng khắp các nẻo đường. Tuy nhiên, đến cánh đồng thuộc tổ 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), chúng tôi nhận thấy khung cảnh sản xuất vụ xuân thật nhộn nhịp. Người thì be bờ bắt nước, người thì mải miết cấy lúa với mạ xanh, nón trắng nhấp nhô trên đồng. Tiếng máy cày, bừa rền vang. Bà Nguyễn Thị Long, một người dân trong tổ cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã gieo mạ sẵn và chuẩn bị bắt nước vào ruộng. Ăn Tết xong, mùng 8 là ngày đẹp, cả nhà cùng xuống đồng. Vụ này, nhà tôi cấy 7 sào lúa Khang Dân, chủ yếu theo phương pháp mạ khay. Do thuê máy cày, bừa làm đất nên nhà tôi có ruộng cấy rất nhanh...
Không chỉ ở Phú Bình mà tại các địa phương khác trong tỉnh (như T.X Phổ Yên, các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ…) hiện nay ruộng đồng đã “no” nước, bà con nông dân đang tập trung làm đất, gieo cấy lúa xuân. Anh Trần Trọng Hảo, ở xóm 14, xã Phú Xuyên (Đại Từ) chia sẻ: Vừa thu hoạch xong 2 sào ngô đông, nhà tôi lại khẩn trương dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng và làm đất để bảo đảm tiến độ gieo cấy lúa xuân kịp khung thời vụ. Bởi chúng tôi được khuyến cáo, nếu gieo cấy muộn thì cây lúa sẽ gặp rét khi trỗ, gây ảnh hưởng đến năng suất. Năm nay, thời tiết ấm, mạ lên xanh tốt, không bị sâu bệnh, nguồn nước cũng thuận lợi, hy vọng bà con nông dân sẽ có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Để có vụ xuân thắng lợi, ngoài việc chuẩn bị nguồn giống đảm bảo chất lượng, chúng tôi còn phối hợp cùng các phòng chuyên môn và chính quyền địa phương vận động bà con tích cực nạo vét kênh mương bảo đảm nước tưới cho đồng ruộng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Cùng với đó, khuyến cáo người dân thực hiện đúng cơ cấu giống, chủ động ứng phó với thay đổi về thời tiết và bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.
Theo dự báo, vụ xuân năm nay tiếp tục là vụ xuân ấm, nhiệt độ sẽ cao hơn nhiệt độ trung bình hằng năm từ 1-2 độ C. Khả năng sẽ xảy ra hiện tượng hạn cục bộ tại một số địa phương trong tỉnh. Vì vậy, Sở Nông nghiệp - PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương quản lý, vận hành tốt các công trình thủy lợi, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước, cung cấp đầy đủ nước tưới dưỡng đảm bảo ngập chân mạ. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc lúa để đảm bảo cho cây lúa bén rễ nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt. Tính đến ngày 12-2, toàn tỉnh đã gieo cấy khoảng trên 50% diện tích lúa xuân. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ hoàn thành việc gieo cấy trong tháng 2. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã có văn bản đôn đốc các địa phương chỉ đạo bà con chuẩn bị giống, phân bón, làm đất, lấy nước đổ ải chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân và các cây trồng khác đúng theo khung thời vụ. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn cách phòng chống rét cho cây trồng; cách phòng trừ chuột hại trên đồng ruộng; khuyến cáo bà con vui xuân nhưng phải thường xuyên thăm đồng ruộng để theo dõi và kịp thời xử lý tình hình phát sinh của sâu bệnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục duy trì công tác điều tra dự tính, dự báo, tăng cường điều tra bổ sung theo dõi sát diễn biến của dịch hại trên cây lúa, đặc biệt quan tâm theo dõi chặt chẽ đối tượng rầy lưng trắng và chủ động lấy mẫu rầy giám định, phát hiện sớm bệnh lùn sọc đen. Từ đó, chủ động đề xuất các biện pháp phòng trừ có hiệu quả phù hợp với thực tế tại địa phương để đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất.
Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực, hăng say sản xuất ngay từ đầu năm của bà con nông dân, tỉnh ta sẽ tiếp tục gặt hái được những mùa vàng bội thu.