Quản lý hoạt động khai thác, chế biến lâm sản

10:45, 22/02/2019

Tỉnh ta có diện tích rừng lớn, trung bình mỗi năm cho khai thác trên 160m3 gỗ. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Song hành với đó, Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, đưa các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản vào hoạt động phù hợp, đúng quy hoạch.

T.P Thái Nguyên là một trong những địa phương tập trung nhiều các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến của các cơ sở này chủ yếu là gỗ rừng sản xuất và gỗ nhập khẩu được mua lại của các công ty kinh doanh gỗ trong và ngoài tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Trọng Bằng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố cho biết: Để tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, Hạt đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên đi cơ sở nắm bắt thông tin về tình hình chế biến, kinh doanh lâm sản. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, công ty, các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Anh Tạ Văn Hà, Giám đốc Công ty Thương mại và sản xuất nội thất Sơn Hà, ở phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Các sản phẩm chính của Công ty là giường, tủ, bàn ghế, kệ. Trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất, tiêu thụ trên 800m3 gỗ tròn, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Ban đầu, khi mới thành lập Công ty (năm 2010), chúng tôi cũng còn bỡ ngỡ về các thủ tục hành chính, nhưng sau khi được cán bộ kiểm lâm trực tiếp hướng dẫn, chúng tôi đã ghi chép đầy đủ sổ theo dõi tình hình nhập - xuất lâm sản. Cùng với đó, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có trên 900 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Hầu hết các cơ sở này đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh, chế biến lâm sản; có nguồn nguyên liệu gỗ đưa vào chế biến hợp pháp; thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở không thực hiện việc kê khai sổ nhập, xuất lâm sản thường xuyên. Vì vậy, để nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm sản, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin, loa, đài truyền thanh, lồng ghép với các buổi họp xóm, tổ về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tuyên truyền lồng ghép cùng với các đợt thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các hạt kiểm lâm tổ chức rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn để tiện theo dõi. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ về hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản của các cơ sở… Qua đó, yêu cầu các cơ sở chế biến đã được quy hoạch bổ sung, hoàn thiện các nội dung còn thiếu như: giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường... Vì vậy, hiện nay, đa phần các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục trong kinh doanh, chế biến gỗ; không có dấu hiệu vi phạm về việc đưa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp vào kinh doanh, chế biến. Trên địa bàn tỉnh không có điểm “nóng”, điểm nổi cộm trong khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Trong năm 2019, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ của các cơ sở trên địa bàn. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ phát triển, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng vào chế biến sâu với các sản phẩm: bột giấy, ván dăm, ván ghép thanh… và sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xuất khẩu để tạo ra các sản phẩm cao cấp, có giá trị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hạn chế dần việc chế biến thô như: cưa xẻ, dăm gỗ…