Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Đại Từ luôn chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động nông nghiệp thông qua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, quản lý các chất thải trong sản xuất nông nghiệp...
Huyện Đại Từ hiện có gần 20 nghìn hec-ta đất trồng trọt, trong đó đất cấy lúa trên 6.700ha, các loại rau màu trên 5.600ha, chè trên 6.300ha… Trong quá trình sản xuất, việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng là tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành. Chính vì thế, trong vài năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện tập trung vào công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật mà trọng tâm là phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn.
Ý thức được điều này, thời gian qua, huyện Đại Từ đã tích cực đưa các mô hình sản xuất chè, rau mà#u, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vào địa phương. Tính đến nay, riêng diện tích sản xuất chè được chứng nhận an toàn theo quy trình VietGAP của huyện là khoảng 200ha. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình áp dụng quy trình VietGAP trên cây bưởi, rau, dưa hấu... Với việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới, tình trạng sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, cây trồng vẫn đảm bảo được chất lượng. Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Cùng với việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện còn xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm từng bước thay đổi hẳn tư duy, thói quen làm nông nghiệp ở địa phương. Hiện, trên địa bàn đã có các mô hình sản xuất chè và rau theo hướng hữu cơ với quy mô từ 0,5-2ha.
Là một trong những mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tiên phong ở địa phương, Câu lạc bộ (CLB) chè hữu cơ xã La Bằng được thành lập từ cuối năm 2017 với 47 thành viên. Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho biết: Đây cũng là CLB sản xuất chè hữu cơ đầu tiên của tỉnh, hoạt động theo nguyên tắc tự quản dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị HTX chè La Bằng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Tham gia CLB, người dân được hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất chè sạch hữu cơ, ghi chép nhật ký nông hộ, theo dõi các quá trình sản xuất để cây trồng phát triển tốt mà không cần sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài việc kiểm soát các loại phân bón, chất bảo vệ thực vật trong sản xuất, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Đại Từ đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên bảo vệ thực vật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Xây dựng các mô hình trình diễn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, đồng thời thu gom và xử lý đúng cách bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, không vứt bừa bãi ra môi trường. Để hạn chế tình trạng thuốc bảo vệ thực vật phát tán ra môi trường như trước đây, huyện đã xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay trên các cánh đồng. Tính đến hết năm 2018, toàn huyện đã xây dựng được trên 1.000 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, với số lượng này Đại Từ là địa phương xây được nhiều bể chứa nhất tỉnh, đảm bảo thu gom được khoảng 30 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Trong 2 năm 2017 đến 2018, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thu gom toàn bộ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn huyện để đưa đi xử lý theo quy định.