Tỉnh ta hiện có trên 22 nghìn ha chè, trong đó, diện tích chè kinh doanh là 19.600ha, năng suất đạt gần 118 tạ/ha. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống chè; tiến hành đầu tư xây dựng vùng sản xuất chè tập trung, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (6 triệu đồng/ha) và hỗ trợ phần chênh lệch giá trị phân bón do chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ là 217 nghìn đồng/sào, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học 500 nghìn đồng/sào. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chè, hình thành vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 137 mô hình sản xuất chè VietGAP được chứng nhận với diện tích khoảng 1.600ha.
Năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới, trồng lại 875ha chè, đưa diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao chiếm trên 74%.