Cung ứng vật tư bảo đảm chất lượng trong vụ mùa

16:24, 16/06/2019

Vừa thu hoạch xong lúa xuân, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con, hiện nay, các công ty, đại lý vật tư nông nghiệp (VTNN) trên địa bàn đang tập trung cung ứng giống, phân bón để kịp thời phục vụ sản xuất.

Những ngày này, tại Chi nhánh VTNN T.X Phổ Yên luôn tấp nập người ra vào mua thóc giống, phân bón để chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn, Chi nhánh đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, kịp thời cung ứng ra thị trường 80 tấn lúa giống và trên 3.200 tấn phân bón các loại. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón cử cán bộ kỹ thuật tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về cách nhận biết sản phẩm chính hãng cũng như biện pháp sử dụng các loại phân bón bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, đạt hiệu quả cao. Vụ mùa năm nay, giá bán các loại phân bón giảm nhẹ (khoảng 3%) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, phân kali hiện có giá bán là 8.200 đồng/kg, phân lân 3.500 đồng/kg, phân NPK từ 4.600 đồng đến 6.600 đồng/kg (tùy loại).

Còn tại cửa hàng VTNN của gia đình ông Giáp Văn Suốt, ở xã Xuân Phương (Phú Bình) trong những ngày này cũng có rất đông bà con nông dân trên địa bàn đến mua hàng. Quan sát chúng tôi thấy, tại cửa hàng có danh sách niêm yết công khai tên và giá cả từng loại giống lúa lai, lúa thuần để bà con tiện theo dõi. Ông Suốt cho biết: Vụ mùa năm nay, chúng tôi cung ứng ra thị trường 40 tấn giống lúa các loại, phục vụ nhu cầu đa dạng của bà con, giống lúa đắt nhất là BTE1 120 nghìn đồng/kg, còn giống rẻ nhất là Khang dân 16 nghìn đồng/kg. Kinh doanh lâu năm, khi bà con đến hỏi mua giống, chúng tôi cũng giải đáp, tư vấn về kỹ thuật ngâm ủ, gieo sạ, kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn... cho bà con.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các đại lý, cửa hàng kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh đang tập trung cung ứng các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân sản xuất vụ mùa kịp khung thời vụ. Cùng với tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh VTNN bảo đảm chất lượng, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị phối hợp chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa. Theo đó, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 39.500ha lúa (tương đương cùng kỳ năm trước), phấn đấu sản lượng đạt trên 200 nghìn tấn. Các giống lúa được ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân đưa vào gieo cấy gồm lúa lai (SL8H-GS9, TH3-5, TH3-7, B-TE1, HKT99) và lúa thuần (Thiên ưu 8, Kim Cương 111, HT1, HT6, J02, nếp Vải, nếp Thầu Dầu…). Về cơ cấu mùa vụ, đối với trà lúa mùa sớm (chiếm 50% diện tích), bà con gieo cấy từ ngày 10 đến 20-6; đối với trà lúa mùa trung, cấy từ ngày 25-6 đến 10-7 và trà lúa mùa muộn cấy từ ngày 5 đến 20-7.

Về vấn đề phòng, chống sâu bệnh gây hại trên lúa mùa, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ mùa thường hay xảy ra mưa bão nên cây lúa rất dễ mắc bệnh bạc lá trong giai đoạn trỗ bông. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Đồng thời, hạn chế gieo cấy giống dễ nhiễm và nhạy cảm với bệnh bạc lá trên chân đất thấp trũng, vùng thường xuyên bị bệnh bạc lá. Ngoài ra, bà con cần lựa chọn hình thức gieo cấy phù hợp với điều kiện gieo cấy cụ thể của từng địa phương; ưu tiên gieo mạ dầy xúc trên nền đất cứng, gieo mạ tập trung thành vùng để quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Bà con cũng nên phun phòng trừ rầy trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 3-5 ngày để hạn chế bệnh lùn sọc đen. Trong quá trình chăm sóc, bà con thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả các loại sâu bệnh hại nguy hiểm như rầy lưng trắng, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh vàng lùn, lùn sọc đen phương nam. Đối với phân bón, bà con cần bón cân đối đạm, lân, kali với phương châm bón lót sâu, thúc sớm, không bón đạm đơn; tăng cường sử dụng phân bón có tác dụng cải tạo đất, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Bón phân theo nguyên tắc đúng chân đất, đúng loại giống, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách để đạt hiệu quả cao nhất…

So với những năm trước, vụ mùa năm nay không quá áp lực về thời gian khi vụ xuân kết thúc sớm hơn từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, lúa vụ mùa có thời gian sinh trưởng ngắn, đặc biệt lúa phát triển hoàn toàn trong mùa mưa bão; nắng, nóng nhiệt độ cao nên nguy cơ sâu bệnh đổ ngã, lép hạt là rất lớn. Vì vậy, để đạt năng suất và sản lượng theo kế hoạch đã đề ra, bà con nông dân cần tuân thủ đúng khung thời vụ và lựa chọn giống cây trồng phù hợp, kết hợp bón phân cân đối để giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao.