Lựa chọn một hoặc một số sản phẩm có thế mạnh của địa phương để xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó góp phần tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn… Đó là mục tiêu cơ bản của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP) hướng đến.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của ngành chức năng cùng bà con nông dân, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, như: Chè Thái Nguyên; gạo Bao Thai Định Hóa; gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình; hoa đào Cam Giá; gà đồi Phú Bình; lúa nếp vải Phú Lương; na La Hiên; ổi Linh Nham… Ngoài ra còn có một số sản phẩm nổi tiếng, tạo uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, như: Bánh chưng Bờ Đậu, miến Việt Cường, nhãn Khe Đù Phúc Thuận, bưởi Tiên Hội, tương nếp Úc Kỳ… Có thể thấy, mỗi địa phương trong tỉnh đều có những mặt hàng nông sản đặc trưng riêng, có tiềm năng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, là sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn tại các địa phương.
Mặc dù có tiềm năng phát triển như vậy nhưng hiện nay, các sản phẩm nông sản của tỉnh dù có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, kể cả những nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Hầu hết nông sản của tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia, chưa có bước đột phá trong phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX rau an toàn Hùng Sơn (Đại Từ) cho biết: HTX hiện có 20ha rau, trung bình mỗi ngày xuất bán 2 tấn rau, củ, quả các loại. Mặc dù là rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có mã vạch, hóa đơn đầy đủ nhưng chúng tôi cũng chỉ bán được cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể với số lượng chiếm khoảng 20-30%, còn lại chủ yếu bán ở các chợ truyền thống, giá cả cạnh tranh mà đầu ra lại bấp bênh.
Với mục tiêu phát huy tiềm năng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn, tỉnh ta đang xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019-2025. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Cốt lõi để bảo đảm cho sự thành công của Chương trình đó là thực hiện trên ý tưởng của người dân, thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất), kinh tế tập thể đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện (không có sự áp đặt của Nhà nước). Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện.
Theo kết quả điều tra, rà soát của ngành chức năng và các địa phương, tỉnh ta có trên 170 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - trang trí - nội thất và dịch vụ du lịch. Đây là tiềm năng thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện nay, đã có một số HTX, cơ sở sản xuất đăng ký các sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh trong thời gian tới như: Miến dong của HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ), rau an toàn của HTX rau an toàn Hùng Sơn và HTX rau an toàn xã Bình Thuận (Đại Từ), tương nếp Úc Kỳ của các cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa của bà con huyện Định Hóa…
Có thể thấy, Chương trình OCOP khi được triển khai thực hiện sẽ khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện nhóm tiêu chí thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là bà con chưa chú trọng đến việc chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn mác, thương hiệu, quảng bá sản phẩm; chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều, mẫu mã bao, bì, kiểu dáng còn sơ sài; số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn ít. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn hẹp, chưa khai thác tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, chưa gắn kết được sản phẩm du lịch với sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Vì vậy, để Chương trình OCOP được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điểm nhấn trong bức tranh kinh tế nông thôn, cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế, tránh sự đầu tư dàn trải.