Thu sắp độ mà tiết trời còn nắng, nóng như nung. Nhưng khi đến đỉnh núi Phượng Hoàng, những hầm hập bức nóng của trời đất biến đâu cả. Chỉ còn lại nơi lưng trời ấy từng làn gió trong lành, thoáng đãng. Tôi đứng ở một mỏm đá trên ngọn núi, phóng mắt nhìn bao quát xuống vùng đất xã Phú Thượng (Võ Nhai). Một vùng đất đẹp tựa bức tranh phong cảnh khổng lồ, đầy sức sống bởi những chủ nhân của vùng đất này chưa bao giờ ngừng nghỉ công việc tạo dựng, đổi mới.
Ông Lương Hoàng Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã phấn chấn: Từ nhiều năm nay, vùng đất xã Phú Thượng đã có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Toàn xã có hơn 1.200 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc chính sinh sống tại 11 xóm. Đồng bào các dân tộc trong xã luôn tự hào mình được sinh, dưỡng, trưởng thành trên vùng đất có truyền thống cách mạng và có tư duy đổi mới, hội nhập cùng đất nước.
Ngược dòng thời gian về những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất dưới chân núi Phượng Hoàng rậm rì cỏ cây, nhà dân thưa vắng, nhưng đồng bào các dân tộc luôn hướng lòng theo Đảng. Cũng vì thế mà các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt quyết định lựa chọn xóm Cao Lầm, xóm của người đồng bào các dân tộc Tày, Nùng sinh sống làm “căn cứ” hoạt động để gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây nhiều con em đồng bào các dân tộc huyện Võ Nhai được giác ngộ cách mạng, trở thành những chiến sĩ Cộng sản kiên trung, như đồng chí Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ, Nông Văn Cần. Rồi tháng 6-1937, tại xóm Cao Lầm, trong sự đùm bọc, che trở của người dân, cơ sở Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập, với 3 đảng viên là thanh niên người địa phương. Ngay sau đó, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh sang các vùng lân cận như: Tràng Xá, Lâu Thượng, Liên Minh, La Hiên. Một số con em xã Phú Thượng hồi bấy giờ trở thành cán bộ, đội viên Trung đội Cứu Quốc quân II, hoặc góp sức chiến đấu cùng quân, dân trong huyện đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân Pháp.
Những công lao của các thế hệ đi trước được ghi lại thành sử xanh muôn đời. Để cháu con hôm nay kế cận, viết tiếp bản hòa ca trên vùng đất dưới chân ngọn núi mang câu chuyện huyền thoại về tình yêu của loài chim dũng mãnh - Phượng Hoàng. Điển hình là việc hưởng ứng tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian 10 năm trở lại đây, xã huy động hơn 147 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được gần 30 km đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và nội đồng; xây dựng kiên cố 18 đập thủy lợi; nhà văn hoá trung tâm xã được xây dựng mới; 9/11 xóm nhân dân đóng góp xây dựng được nhà văn hoá đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Để có bộ mặt nông thôn như hôm nay, cán bộ, nhân dân xã Phú Thượng cùng vào cuộc, tích cực tham gia các đóng góp để địa phương triển khai thi công các công trình, như những tuyến đường bê tông về xóm; nhà văn hoá cơ sở. Đặc biệt trong xã có 135 hộ hiến hơn 10 nghìn m2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn. Điển hình như xóm Ba Nhất, có 210 hộ, hơn 900 nhân khẩu, trên 90% là người dân tộc Dao. Ông Triệu Hữu Tiên, Trưởng xóm chia sẻ: Ba Nhất ngày nay đã có đường bê tông. Nhưng để có tuyến đường rộng, thoáng như bây giờ, người dân trong xóm đã hiến 1.820m² đất, tham gia gần 1.000 ngày công lao động để san lấp, giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Nhờ có giao thông thuận tiện, con lợn nuôi trong chuồng, bắp ngô thu ngoài nương, ngọn chè hái ngoài bãi được tư thương mang ô tô vào tận nhà thu mua với giá cao hơn so với ngày trước gần 2 lần.
Ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2015, Phú Thượng - xã đầu tiên của huyện hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đến năm 2017, Phú Thượng được tỉnh lựa chọn là 1 trong 9 xã điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bằng nhiều nỗ lực, đến nay Phú Thượng đã hoàn thành được 16/19 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu (3 tiêu chí chưa hoàn thành là giao thông, thu nhập và hộ nghèo). Tuy nhiên, đã có 1 xóm đạt tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Như có một lực hấp dẫn kỳ lạ, thôi thúc chúng tôi đội nắng lửa về xóm Mỏ Gà, xóm nông thôn mới kiểu mẫu ở Phú Thượng, để tận mắt chứng kiến sự chuyển đổi của một làng quê nghèo dưới chân núi Phượng Hoàng. Chỉ sau ít năm vào cuộc, người dân Mỏ Gà đã làm thay đổi diện mạo quê hương mình. Tháng 1-2019, bà con trong xóm vinh dự đón nhận danh hiệu xóm Nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện hầu hết đường trục xóm, đường ngõ xóm và nhiều trục đường giao thông nội đồng được bê tông hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn; tại khu dân cư tập trung có đường điện chiếu sáng, đường trục xóm và ngõ xóm. Xóm không có nhà tạm, nhà dột nát.
Chuyện xây dựng nông thôn mới, bà Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: 100% đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm đã được cứng hóa; 90% diện tích đất sản xuất chủ động được nguồn nước tưới; 100% hộ dân được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia; 100% xóm có sóng điện thoại di động và mạng Internet; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; xã không còn hộ ở nhà tạm; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,4%. Theo dự kiến đến hết năm 2020, Phú Thượng phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Người dân Phú Thượng tự hào vì mỗi ngày đều được hít thở không khí trong lành. Và giữa một rừng hương ấy, tôi nhận ra vị thơm hoa hồi đầu mùa của bà con người Dao sống trên núi Cao Biền. Nhớ mùa hoa hồi năm trước, tôi lên Cao Biền, đồng chí Triệu Văn Tiến, Bí thư Chi bộ Cao Biền cho biết: Cây hồi được trồng trên đất Cao Biền từ 20 năm nay. Từ hơn 10 năm gần đây, sản lượng hoa hồi của xóm ổn định 80 tấn/năm. Nhờ cây hồi, nhiều hộ dân của xóm có cuộc sống ổn định hơn. Gặp tôi bên rừng hồi, ông Triệu Hữu Phong cho biết: Gia đình tôi trồng được gần 800 gốc hồi, hiện 400 gốc cho thu hoạch, đạt sản lượng 4 tấn/năm, với giá bán 10.000 đồng/kg, tôi có thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm… Về xóm Phượng Hoàng, Bà Triệu Thị Ánh, Trưởng xóm nói tự tin: Nông dân ngày nay năng động, am hiểu khoa học kỹ thuật, họ biết sản xuất hướng đến thị trường. Ngay ở xóm Phượng Hoàng đã có hàng chục hộ chủ động chuyển đổi diện tích đất (hơn 20 ha) ruộng không thuận nước và đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả, chủ yếu các loại: ổi, na, nhãn, quýt, bưởi, cam, dứa… mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với việc cấy lúa
Vùng đất Phú Thượng đang thức dậy bởi bàn tay, khối óc của những chủ nhân chân chất. Tôi gặp ngay bên đường, nhiều nông dân đứng ra làm dịch vụ bán hàng nông sản địa phương. Và hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà cũng đang dần thành hình hài của một khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng trên đất Phú Thượng.