Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Cần sự tích cực, chủ động của người dân

10:40, 16/07/2019

Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Có xã, sau gần 30 ngày “im ắng”, lại tiếp tục phát sinh thêm ổ dịch mới. Thậm chí có địa phương như xã Na Mao (Đại Từ), đã vượt qua 30 ngày không phát sinh nhưng sau đó dịch bệnh lại tiếp tục xuất hiện. Điều đáng nói là, sau nhiều ngày không phát sinh dịch bệnh, đến khi bùng phát trở lại, mức độ lây lan trên đàn lợn khá nhanh, khó lường.

Qua báo cáo nhanh của Chi cục Thú y Thái Nguyên, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 120 nghìn con lợn (tổng trọng lượng là hơn 7.000 tấn) của gần 12,4 nghìn hộ dân thuộc 172 xã, phường ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã mắc bệnh, nghi mắc DTLCP buộc phải tiêu hủy. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian tới, việc phòng, chống DTLCP sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi mùa thu - đông đang đến gần, là thời điểm dễ phát sinh dịch cúm gia cầm, nên nhiều nguy cơ có thể xảy ra tình trạng “dịch kép” ở đàn vật nuôi. Thêm vào đó, hiện tại, việc phòng, chống DTLCP gặp không ít khó khăn do những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Có địa phương không tìm được vị trí chôn lấp, tiêu hủy lợn mắc và nghi mắc DTLCP phù hợp; người dân rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc, khử trùng chưa đúng kỹ thuật. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Nếu rắc vôi bột, phun hóa chất để khử trùng, tiêu độc chuồng trại không đúng cách thì hiệu quả phòng, chống dịch sẽ không cao.

Một khó khăn nữa là với tốc độ di chuyển nhanh của các loại chuột, bọ… từ trang trại, khu chăn nuôi có dịch sang khu vực chưa có dịch sẽ là nguồn lây lan DTLCP rất khó kiểm soát… Đây cũng chính là trở ngại khiến ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải “đau đầu”.

Trước những khó khăn trên, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương phải tìm những địa điểm tiêu hủy đúng hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch. Trường hợp những hộ dân có quy mô đàn ít, khi lợn mắc dịch có thể chôn lấp trong vườn nhà nhưng theo sự chỉ đạo, giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).

Đối với việc tiêu độc, khử trùng, hộ chăn nuôi cần hoàn thiện đầy đủ việc sát trùng ngoài trại, cách trại từ 1-5km. Đảm bảo tất cả 100% các loại phương tiện xe máy, ô tô, phương tiện thô sơ khi vào trang trại phải qua các điểm sát trùng đúng theo quy trình và quy định nghiêm ngặt. Việc pha thuốc sát trùng phải đúng liều lượng, tỷ lệ theo quy định được khuyến cáo và luôn phải hoạt động tốt 24/24 giờ. Không nên sử dụng nguồn nước mặt để tắm rửa hay cho lợn uống. Trường hợp bất khả kháng phải xử lý triệt để theo tiêu chuẩn nhà máy nước. Dụng cụ thú y, máy móc, thiết bị chăn nuôi trước khi đưa vào khu vực chăn nuôi cần phải sát trùng ngoài cửa chuồng, để cách ly 1 giờ và chiếu qua tia UV mới được đem vào sử dụng.

Virus dịch tả lợn châu Phi(African swine fever virus, viết tắt: ASFV) là tác nhân gây bệnh sốt lợn ở châu Phi (ASF). Virus gâysốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao ở lợn. Để phòng dịch, tỉnh Thái Nguyên đang duy trì hoạt động 35 chốt kiểm dịch tạm thời các cấp tỉnh, huyện, xã; cấp cho các địa phương gần 443 tấn vôi bột và trên 41 nghìn lít hóa chất để sát trùng, tiêu độc chuồng trại, lối đi lại…    

Cùng với đó, các đường ngoài cổng trại (cách 50m) cũng như các đường liên kết trại phải được rắc vôi bột thường xuyên, khi thấy vôi nhạt hoặc gặp mưa phải rắc vôi mới, bình quân 2 - 3 ngày rắc 1 lần. Phun sát trùng khu sinh hoạt và khu chăn nuôi ngày 1 đến 2 lần.Đồng thời, tiến hành diệt chuột, ruồi, gián, ve một cách triệt để. Không được nuôi chó mèo hay gà vịt trong khu chăn nuôi lợn. Làm các thiết bị đuổi chim để chim hoang dã không có điều kiện tiếp cận trại nuôi lợn...

Có thể khẳng định, ở nước ta nói chung và Thái Nguyên nói riêng, chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn, khó khăn vất vả trong ứng phó như DTLCP vừa qua. Do đó, để có thể phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; các cấp, ngành chức năng trong việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình dịch; lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu huyết thanh để chẩn đoán dịch bệnh; quan tâm tới công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, nhất là ở các địa bàn có dịch và các địa phận lân cận; duy trì các chốt kiểm dịch động vật tạm thời… thì rất cần sự tự giác, chủ động của người dân. Ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho rằng: Người dân không nên trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà nên chủ động đầu tư kinh phí mua hóa chất, vôi bột về khử trùng, tiêu độc xung quanh chuồng trại, khu vực chăn nuôi để bảo vệ đàn lợn của gia đình mình.

Bởi vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; hướng dẫn người dân sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như Bencocid, Haniodin, Vibazon, Vetvaco-Iodin… để công tác phòng, chống DTLCP đạt hiệu quả cao.