Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng quê cách mạng Phú Đình (Định Hóa) đã có những khởi sắc tích cực. Hiện nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí NTM. Với mục tiêu về đích NTM vào cuối năm nay, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực dồn sức hoàn thành 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo và y tế.
Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM (từ đầu năm 2012) xã Phú Đình chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Thời điểm đó, qua rà soát, thu nhập bình quân của người dân trong xã mới chỉ đạt 8,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 35,5%. Với xuất phát điểm thấp như vậy, mục tiêu về đích NTM trước năm 2020 được xem là một thử thách không nhỏ đối với cán bộ, đảng viên và người dân xã miền núi Phú Đình.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết: Nắm rõ những khó khăn của địa phương nên chúng tôi xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xã có những bước phát triển mới, bền vững, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn. Để thực hiện hiệu quả Chương trình này, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM… Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nắm vững được chủ trương, tích cực hưởng ứng tham gia phong trào chung sức xây dựng NTM.
Với sự đồng tỉnh, ủng hộ của đông đảo người dân, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, xã Phú Đình đã huy động được trên 40 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó, riêng nguồn vốn đóng góp của nhân dân trên 7 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, người dân trong xã đã hiến trên 50.000m2 đất cùng tài sản trên đất trị giá trên 1 tỷ đồng để mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường. Nhờ vậy, từ chỗ gần 100% đường giao thông trên địa bàn xã là đường đất, đến nay, toàn xã đã có 31,8 km đường giao thông được bê tông và cứng hóa (đạt 83%). Cùng với đó, các công trình hạ tầng thiết yếu như: trường học, kênh mương, nhà văn hóa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… cũng được xã quan tâm đầu tư xây mới.
Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: thay thế giống chè trung du bằng các loại chè lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao; tập trung phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; tích cực đưa các giống lúa lai, lúa cao sản, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy… Theo thống kê, hiện nay, toàn xã có gần 223ha chè thương phẩm, trong đó, trên 70% diện tích đã được người dân thay thế bằng các giống chè lai: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân… Nhờ đó, giá trị kinh tế của cây chè ở Phú Đình đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2012, mỗi ha chè chỉ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm thì nay đã tăng lên trên 92 triệu đồng/năm.
Giờ đây, diện mạo NTM ở Phú Đình đang dần hiện hữu với những công trình nhà ở khang trang, kiên cố; hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trải dài khắp các thôn, xóm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang từng bước được cải thiện. Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của người dân chỉ đạt 8,3 triệu đồng thì nay đã tăng lên 29,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,5%.% xuống còn 16,2%; trên địa bàn xã có 2/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; trên 90% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…
Với mục tiêu về đích NTM vào cuối năm 2019, hiện nay, chính quyền và nhân dân xã Phú Đình đang chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: Nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo và y tế. Theo đánh giá của UBND xã, trong số 4 tiêu chí chưa đạt thì 2 tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo là quan trọng nhất. Chính vì vậy, để hoàn thành 2 tiêu chí này theo đúng lộ trình, ngay từ đầu năm 2019, xã đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương như: Cây chè, chăn nuôi lợn, gà và trâu bò... Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh hỗ trợ về vốn và khoa học - kỹ thuật để nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 gia trại chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 5 làng nghề, 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác trồng và chế biến chè. Cùng với việc nhân rộng các mô hình kinh tế, thời gian gần đây, xã Phú Đình còn khuyến khích và tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ tại địa phương được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh hoặc xuất khẩu lao động đi nước ngoài. Toàn xã hiện có khoảng 200 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và trên 20 lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
Đối với 2 tiêu chí còn lại là nhà ở dân cư và cơ sở vật chất y tế. Hiện nay, xã đang đề nghị huyện phê duyệt kinh phí đầu tư xây dựng công trình trạm y tế và nâng cấp trang thiết bị y tế với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào đầu quý III năm nay. Riêng tiêu chí nhà ở dân cư, xã đang tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện việc sửa chữa, xây mới, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nếp sống văn minh. Xã đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019, sẽ xóa bỏ toàn bộ 30 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Với những chủ trương đúng đắn, lộ trình phù hợp, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực và đồng thuận cao trong nhân dân, tin tưởng rằng xã Phú Đình sẽ về đích NTM theo đúng kế hoạch đã đề ra.