Thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Vậy, nguyên nhân do đâu và cần có những giải pháp nào?
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 200 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Thời gian qua, có một số DN, hợp tác xã (HTX) chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng phát triển chính, như: Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) nuôi trồng, sản xuất nấm chất lượng cao; DN tư nhân Cao Bắc trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Na trồng rau an toàn tại xã Tiên Hội (Đại Từ); HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao trồng rau an toàn tại xã Đông Cao (T.X Phổ Yên)…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, ngày 12/8/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Để cụ thể hóa Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay, UBND tỉnh mới có quyết định hỗ trợ vốn đầu tư cho 4 dự án, gồm: trang trại chăn nuôi phát triển bò sinh sản và bò thịt cao sản chất lượng cao tại xã Phượng Tiến (Định Hóa); xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung kết hợp nuôi trồng thủy sản, tại xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên); trang trại chăn nuôi lợn nái loại siêu nạc tại xóm Đầu Mụ, xã Bình Thuận (Đại Từ) và Dự án Trang trại sản xuất nông nghiệp sạch xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Tổng số tiền hỗ trợ đầu tư cho các dự án này là 13,8 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng số vốn đăng ký trên 414,9 tỷ đồng.
Kết quả này cho thấy số DN, HTX tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong hơn 2 năm qua còn rất khiêm tốn, trong khi tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân là do các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi diện tích đất lớn, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, số vốn đầu tư lớn nhưng quay vòng vốn chậm nên không có nhiều dự án mới đầu tư vào nông nghiệp. Một số DN gặp khó khăn khi tiếp cận cơ chế hỗ trợ. Đơn cửa như Dự án Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), do Công ty CP Công nghệ cao Trung Anh (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Để thực hiện Dự án, Công ty đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư với nguồn vốn dự kiến trên 100 tỷ đồng, diện tích hơn 10ha. Hiện nay, Công ty đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm hoa lan trong nhà kính và dưa lưới trong nhà lưới, bước đầu đem lại hiệu quả khá khả quan. Cụ thể, đối với nhà kính trồng hoa lan, Công ty đã đầu tư hệ thống điều hòa để làm mát, hệ thống tưới tự động có thể điều khiển nhiệt độ, độ ẩm thông qua các thiết bị kết nối như điện thoại, máy vi tính. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, Công ty xuất bán được trên 30 nghìn gốc hoa lan các loại, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Chử Quang Trung, Giám đốc Công ty cho biết: Đến nay, DN đã đầu tư trên 15 tỷ đồng để thực hiện một số hạng mục như: Cải tạo đất, làm nhà xưởng để phục vụ sản xuất… Hiện nay, chúng tôi đang gặp khó khăn đó là chưa hoàn thiện về mặt bằng và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì chỉ khi đầu tư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới được nhận hỗ trợ, còn đầu tư tại cấp phường thì lại không được hỗ trợ.
Ngoài các nguyên nhân nói trên thì còn có nguyên nhân do công tác tuyên truyền nội dung chính sách của các cấp, ngành, đơn vị chức năng tới DN chưa được quan tâm đúng mức. Một số DN quan tâm đầu tư theo các chính sách của tỉnh nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ. Mặt khác, điều kiện vay vốn chặt chẽ, lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại còn cao, chưa có chính sách riêng nhằm khuyến khích tập trung đất đai, hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… cũng là một trong những rào cản khiến các DN “ngại” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Để tăng thêm cơ chế, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này, hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để sửa đổi Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó sẽ bao gồm các chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ dồn điền đổi thửa; hợp tác liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ sản phẩm chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn hữu cơ. Ngoài ra, còn có các quy định về nguồn vốn, trình tự, hồ sơ và thủ tục hỗ trợ…
Có thể thấy, để trở thành “bệ phóng” cho các DN, HTX thì chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần phù hợp và sát với tình hình thực tế hơn nữa. Song hành với đó, các DN, HTX cần được tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn, cả thế chấp và tín chấp; tạo thuận lợi trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất để hợp tác sản xuất lớn. Hy vọng, với việc tăng thêm cơ chế, tạo thêm nguồn lực cho DN sẽ là cú hích để sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh có bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới.