Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ khoa học kỹ thuật... để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở Võ Nhai đã giảm từ 35,86% (năm 2016) xuống 19,41% (hiện nay).
Trở lại xóm Trúc Mai, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), điều khiến chúng tôi thấy diện mạo nông thôn đã có nhiều thay theo hướng tích cực. Những ngôi nhà xây khang trang mọc lên ngày càng nhiều, đường giao thông thôn xóm đang từng bước được bê tông hóa giúp cho việc đi lại, giao thương của nhân dân được thuận lợi hơn. Anh Lê Đình Chính, Trưởng xóm Trúc Mai cho biết: Hiện nay, xóm có 145 hộ với 585 nhân khẩu. So với 5 năm trở về trước, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện, cả xóm có hơn 50% số hộ dân đã xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang, có nhà trị giá hàng tỷ đồng. Hầu hết các hộ dân đều sắm được tiện nghi sinh hoạt như: xe máy, tivi, tủ lạnh đắt tiền. Tất cả là nhờ có các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người dân ở nông thôn, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo. Thông qua các chính sách giảm nghèo, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. Trúc Mai hiện chỉ còn 12 hộ hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo...
Anh Lăng Văn Thao, một người dân xóm Trúc Mai phấn khởi chia sẻ: Nhờ các ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo, vợ chồng tôi đã được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư máy móc, thiết bị mở xưởng mộc, tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Năm ngoái, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng ngôi nhà ở khang trang. Cũng năm ngoái, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua mới các loại máy móc như: máy xẻ, cưa, máy đục, máy cuốn để cùng em trai ruột mở rộng quy mô xưởng sản xuất đồ gỗ.
Xác định Chương trình giảm nghèo bền vững là một nội dung lớn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia của Đảng và Nhà nước, UBND huyện Võ Nhai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, kế hoạch giảm nghèo hằng năm. Huyện cũng kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia huyện. Cùng với đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về giảm nghèo như: Gắn Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách. Huyện còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá với quy mô trang trại vừa và nhỏ; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng ưu tiên các sản phẩm có thế mạnh như khai thác vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản; mở rộng đẩy mạnh hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động nông thôn; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo ở xã, thôn, xóm; tập huấn cho nhân dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, thực hiện lồng ghép, triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách và dự án giảm nghèo như: chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nghèo, cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư, hỗ trợ xây dựng nhà ở, Chương trình 135...
Từ năm 2016 đến nay, thông qua các chính sách giảm nghèo, toàn huyện đã có 2.194 lao động được tạo việc làm tăng thêm; 960 lao động nông thôn được đào tạo nghề; trên 209,6 nghìn lượt người được cấp thẻ BHYT; 100% số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; trên 19,1 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; trên 300 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện 69 mô hình giảm nghèo về trồng trọt, chăn nuôi... Huyện đã dành trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để đầu tư xây mới, duy tu, bảo dưỡng trên 60 công trình, dự án cho các xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung xây dựng 1 tràn liên hợp, trên 250 công trình giao thông với tổng chiều dài trên 111,7km; xây mới 2 đập, sửa chữa và nâng cấp 3 trạm bơm, 16 đập và trên 21km kênh mương; xây mới, sửa chữa 14 nhà văn hóa xã, 131 nhà văn hóa xóm; cải tạo 1 trường mầm non, xóa 31 phòng học tạm... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện.
Có thể nói, công tác giảm nghèo ở Võ nhai đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động đến mọi lĩnh vực của cuộc sống kinh tế - xã hội, làm cho diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay nhanh chóng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Mặc dù vậy, công tác giảm nghèo ở Võ nhai còn gặp không ít khó khăn. Ông La Bảo Thành, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai chia sẻ: Tuy tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm đều giảm khá mạnh nhưng chưa thực sự bền vững. Bởi, tư duy và kỹ năng phát triển kinh tế của nhiều hộ dân còn mang nặng tính tự cung, tự cấp. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự cố gắng vươn lên thoát nghèo. Tình trạng thiếu vốn, thiếu đất canh tác nông nghiệp còn tồn tại ở nhiều vùng. Sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội vào công tác giảm nghèo chưa thật sự nhiệt tình. Tình trạng lao động trong các hộ nghèo chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức làm ăn vẫn còn phổ biến. Sự chỉ đạo, điều hành trong công tác giảm nghèo ở một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể cấp xã còn hạn chế, chậm đổi mới...