Kiên trì phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

09:02, 30/08/2019

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 3, đến thời điểm này, đã có trên 147.400 con lợn với trọng lượng hơn 8.500 tấn bị tiêu hủy, chiếm 20,9% so với tổng đàn. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng qua công tác dập dịch cho thấy, một số địa phương và bà con kiên trì áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã góp phần ngăn chặn, khống chế dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Các hộ liền kề đều có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) vẫn đảm bảo an toàn. Tìm hiểu chúng tôi được biết, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Thắng được phân chia làm 3 khu, khu đầu tiên là để chứa cám; khu thứ 2 là phòng sát trùng; cuối cùng là dãy chuồng chăn nuôi. Đối với người vào trang trại phải thay quần áo, đeo bảo hộ như khẩu trang, giày, ủng, găng tay và phải qua phòng phun sương, sát trùng. Đặc biệt, do xây theo hình thức chuồng kín nên các loại động vật có khả năng truyền bệnh như: Nhặng xanh, ruồi, gián, chuột… không thể xâm nhập.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thắng chia sẻ: Trung bình cứ 2 ngày tôi phun thuốc sát trùng 1 lần, ở cổng trại tôi cũng làm hố sát trùng và rắc vôi bột xung quanh. Đến thời điểm này, đàn lợn nhà tôi vẫn phát triển bình thường, tôi cũng không cảm thấy lo sợ về bệnh dịch tả lợn châu Phi như trước đây nữa.

Không chỉ riêng trang trại chăn nuôi của gia đình anh Thắng, nhiều trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cũng góp phần khống chế dịch bệnh lây lan tại các địa phương. Đơn cử như tại xã Úc Kỳ (Phú Bình), nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trong tỉnh, do làm tốt công tác dập dịch nên từ ngày 5-5 đến nay, toàn xã không có lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Hiện, tổng đàn lợn của xã còn hơn 2.600 con; trong đó, lợn nái là 550 con, còn lại là lợn thịt, lợn sữa, giảm 60% tổng đàn so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Để làm tốt công tác dập dịch, chúng tôi đã quán triệt triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện cũng như của ngành Nông nghiệp. Cùng với đó, tăng cường giám sát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, cơ sở giết mổ động vật. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con kiên trì áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vì đây là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kịp thời chi trả hơn 3 tỷ đồng cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh để bà con đầu tư sản xuất, ổn định đời sống.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài Úc Kỳ, toàn tỉnh còn có 15 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh, đó là: Dương Thành, Hà Châu, Thanh Ninh, Nhã Lộng (Phú Bình); phường Đồng Quang, Gia Sàng, Trung Thành, Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên); thị trấn Đình Cả, xã Sảng Mộc (Võ Nhai); phường Bãi Bông, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên); thị trấn Quân Chu, xã Hoàng Nông, Hà Thượng (Đại Từ). Trong đó, có 5 xã của huyện Phú Bình gồm: Úc Kỳ, Hà Châu, DươngThành, Thanh Ninh và Nhã Lộng đã công bố hết dịch.

Thêm vào đó, từ giữa tháng 7 trở lại đây, số lượng lợn phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, nếu như vào thời điểm tháng 6 và đầu tháng 7, có ngày, toàn tỉnh phải tiêu hủy từ 2.000 đến 3.000 con lợn, thì nay chỉ còn từ 150-250 con lợn/ngày. Số lượng các xã, phường có bệnh dịch tả lợn châu Phi sau 30 ngày không phát sinh ngày càng gia tăng và số lượng lợn tiêu hủy ngày càng giảm đã cho thấy hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp - PTNT, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã và đang tăng cường kiểm tra công tác triển khai các biện pháp dập dịch; tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Các huyện, thành, thị cũng đang thực hiện các thủ tục và chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy, hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y: Để đảm bảo nguồn cung cấp con giống phục vụ tái đàn sau khi hết dịch, hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo bảo vệ đàn lợn nái, lợn đực giống. Đối với các hộ chăn nuôi có từ 10 nái trở lên và cơ sở chăn nuôi có từ 100 lợn thịt trở lên sẽ được hỗ trợ hỗ trợ vật tư, hoá chất, vắc - xin để tiêm phòng các bệnh, như: Tụ dấu lợn, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng và được hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, hỗ trợ cách ly, xử lý các ổ dịch xung quanh…