Giúp người dân giàu lên nhờ rừng

08:29, 06/09/2019

Tận dụng lợi thế là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất của huyện Phú Lương (gần 2.500 ha đất lâm nghiệp), những năm qua, Đảng bộ xã Yên Lạc (Phú Lương) đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các xóm tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Giữa những ngày nắng chói chang, bước vào nhà ông Đào Văn Thăng, xóm Đẩu, xã Yên Lạc chúng thấy một bầu không khí dịu mát. Ông Thăng vừa rót nước mời chúng tôi vừa bảo: Không khí mát mẻ thế này cũng nhờ  rừng cây trông quanh nhà tôi. Gia đình tôi có 5ha keo, còn cả xóm có gần 100ha rừng, nhà ít cũng 0,5ha, nhà nhiều gần 10ha. Rừng được khai thác, trung bình mỗi ha, người dân chúng tôi có thu nhập 80-100 triệu đồng.

Rời xóm Đẩu, chúng tôi cho xe chạy một vòng qua các xóm: Đồng Xiền, Ó, Tiên Thông... và vào thăm nhà ông Dương Viết Huynh, xóm Ó, người đang sở hữu 15ha rừng keo lai từ 3-5 tuổi. Nhìn rừng keo bát ngát xanh phủ kín xung quanh những vách núi đá cao sương mờ che phủ, tôi thầm tính, chỉ 2-5 năm nữa khi được thu hoạch, gia đình ông Huynh sẽ cầm chắc trong tay số tiền hơn 2 tỷ đồng. Qua câu chuyện kể của ông, chúng tôi được biết 10 năm trước, vợ chồng ông được cha mẹ chia cho 10ha đất trồng rừng. Năm 2015, một phần diện tích được thu hoạch, vợ chồng ông bán được hơn 1,2 tỷ đồng. Với số tiền này, ngoài chi tiêu trong nhà, chia cho các con học hành, làm ăn, vợ chồng ông mua 8ha đất phía cuối xóm trồng thêm keo và làm trang trại. Dưới tán rừng keo lai màu mỡ, vợ chồng ông nuôi gà, thả cá, chăn bò, dê, trồng các loại cây ăn quả để lấy ngắn nuôi dài. 
Không riêng gia đình ông Thăng, ông Huynh mà phần lớn hộ dân trong xóm khác trên địa bàn xã đều nhận thức được lợi ích từ rừng nên đã tích cực trồng và bảo vệ rừng. Ông Trần Văn Luận, xóm Tiên Thông phấn khởi nói: Gia đình vừa khai thác hơn 1,1ha keo bán được hơn 120 triệu đồng. Tôi thấy trồng rừng không cần nhiều vốn mà chăm sóc lại nhàn hơn các loại cây trồng  khác và có nguồn thu ổn định.

Xác định được tầm quan trọng của kinh tế rừng thời gian qua, Đảng bộ xã Yên Lạc đã đưa vào Nghị quyết  phát triển kinh tế đồi rừng để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Cụ thể hóa các nghị quyết này, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con; hướng dẫn các hộ dân đưa các loại cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Hàng năm, xã đều kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng và các tổ quản lý bảo vệ rừng tại các xóm, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô ở địa phương. Nhờ đó, những năm gần đây người dân trong xã tham gia trồng mới và trồng lại hàng trăm ha rừng (trung bình mỗi năm, xã trồng mới lại từ 50-70ha rừng), đảm bảo ổn định độ che phủ rừng ở địa phương đến nay đạt gần 60%.
Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động của xã. Đồng chí Trần Thanh Toàn, Phó Ban lâm nghiệp xã thông tin: Hiện tại, xã có 8 cơ sở thu mua, chế biến lâm sản, chủ yếu là xẻ và băm… bảo đảm đầu ra cho sản lượng gỗ khai thác từ diện tích rừng được thu hoạch của nhân dân trong vùng. Các cơ sở này đã và đang tạo nhiều việc làm cho người dân cũng như đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương. 

Chúng tôi đến thực tế tại xưởng xẻ gỗ của gia đình chị La Thị Vàng, xóm Mương Gằng. Gia đình chị Vàng duy trì hoạt động của 2 xưởng xẻ gỗ (một đặt ở xóm Mương Gằng, một ở Cây Thị) đã hơn 10 năm nay, có nguồn thu mỗi năm trên 400 triệu đồng. Giữa tiếng máy xẻ chạy rầm rầm, chị Vàng nói: 2 xưởng xẻ gỗ của gia đình tôi hiện giải quyết việc làm cho 16 lao động với mức lương thấp nhất là 5,5 triệu đồng/người/tháng; cao nhất như thợ xẻ có thu nhập trên 9 triệu đồng/người/tháng. Nguyên liệu cho xưởng xẻ chủ yếu chúng tôi thu mua của người dân trong xã. Nhân công cũng đều tạo điều kiện cho người ở trong và ngoài xóm. 

Có thể nói hơn 3 năm qua, kinh tế rừng đã làm thay đổi bộ mặt đời sống nhân dân và vùng nông thôn xã Yên Lạc. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 30 triệu người/năm (tăng 20 triệu so với năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42% (năm 2015) xuống dưới 9,5% (năm 2018). Đồng chí Nguyễn Chí Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lạc cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Yên Lạc sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu đạt xã nông thôn mới trong năm nay.