Khó khăn trong xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp

07:15, 15/10/2019

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (gọi tắt là Đề án) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được T.P Sông Công triển khai từ năm 2016 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện các mô hình nông nghiệp theo Đề án này đang gặp không ít khó khăn.  

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, xã Tân Quang đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, phá bỏ những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp để đưa cây bưởi Diễn vào trồng nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Đến nay, xã đã có 9ha vườn tạp được chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, 70 hộ dân trồng hàng trăm gốc bưởi trở lên, cho thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài trồng bưởi Diễn, nhiều hộ dân trong xã cũng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, xây dựng các mô hình chăn nuôi gà gia công cho các công ty. Tuy nhiên, từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (năm 2016) đến nay, xã Tân Quang mới chỉ triển khai thực hiện được 6/15 mô hình theo kế hoạch. Bà Ngô Thị Chi, Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Do đất nông nghiệp của xã manh mún nên việc triển khai thực hiện các mô hình là rất khó. Hơn nữa, Khu công nghiệp Sông Công 2 đang được triển khai xây dựng trên địa bàn xã khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp cũng là nguyên dân dẫn đến tình trạng một số mô hình không thể thực hiện được. 

Cũng như xã Tân Quang, sau gần 4 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thay vì thực hiện 26 mô hình như kế hoạch ban đầu thì nay xã Bá Xuyên mới chỉ thực hiện được 17 mô hình, với số tiền hỗ trợ hơn 450 triệu đồng. Ông Lưu Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Các mô hình thực hiện theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn xã chủ yếu là các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi. Tuy nhiên, xã chưa xây dựng được các mô hình theo kế hoạch là do phần lớn các trang trại, gia trại trên địa bàn xã chưa đảm bảo khoảng cách với khu dân cư. Môi trường trong chăn nuôi không đảm bảo khiến cho việc thực hiện các mô hình theo Đề án là rất khó khăn. 

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của T.P Sông Công giai đoạn 2016-2020 được thực hiện với tổng kinh phí 89 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách cấp trên là 23 tỷ đồng, ngân sách Thành phố là 29 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn huy động khác. Theo đó, để thực hiện Đề án, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân trồng hoa, cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, Thành phố cũng kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư chăn nuôi tập trung tại các vùng đã quy hoạch xây dựng nông thôn mới và có chính sách hỗ trợ đối với từng mô hình chăn nuôi. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, Thành phố mới chỉ triển khai thực hiện được 88 mô hình, với số tiền hỗ trợ 32/89 tỷ đồng. Nguyên nhân là do diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phân tán, sản xuất nông nghiệp có độ rủi ro cao, do vậy chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư. Về trồng trọt, để được hỗ trợ theo Đề án, các mô hình phải có diện tích là 5ha trở lên đối với cây ăn quả và 2.000m2 trở lên đối với cây rau, trong khi hiện nay, quy mô các mô hình rau, cây ăn quả phát triển manh mún (vì diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để thực hiện các dự án) nên chưa đáp ứng được các tiêu chí theo Đề án. Để khắc phục tình trạng trên, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với UBND Thành phố triển khai các mô hình theo hướng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; khắc phục môi trường trong chăn nuôi...

Cùng với đó, để Đề án triển khai đạt hiệu quả, từ nay đến cuối năm, T.P Sông Công cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khuyến khích nhân dân tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, trọng tâm là triển khai các mô hình, dự án đã được đăng ký; đồng thời, tích cực thu hút đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, các dự án công nghệ cao… Tuy nhiên, để sản phẩm nông nghiệp của địa phương ngày càng có giá trị cao, chỗ đứng trên thị trường, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, rất cần sự chung tay, hưởng ứng từ phía người dân.