Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, người dân xã Phú Cường (Đại Từ) đã không ngừng mở rộng diện tích chè, đưa các giống mới vào trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập.
Cây chè được trồng trên đất Phú Cường từ lâu đời và phát triển mạnh khoảng hơn chục năm trở lại đây. Hiện, toàn xã có gần 280ha chè, trong đó chè kinh doanh là 240ha với năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 3.000 tấn. Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích chè đã già cỗi sang trồng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các hộ để tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đến nay, trên 80% diện tích chè trên địa bàn xã được trồng các giống chè mới, như: LDP1, Tri777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc… Trung bình mỗi năm toàn xã có trên 30ha chè trồng mới, trồng lại.
Là một trong những xóm có truyền thống trồng chè, trung bình mỗi năm, xóm Chiềng cung cấp ra thị trường trên 100 tấn chè búp khô các loại. Ông Hoàng Văn Đức, Trưởng xóm Chiềng cho biết: Xóm có 165 hộ thì có tới 90% hộ làm chè, với tổng diện tích gần 40ha. Ông Hoàng Đình Chiến, xóm Chiềng cho biết: Từ năm 2014, gia đình tôi bắt đầu làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất chè theo quy trình an toàn, giá bán chè của gia đình tôi đã cao hơn trước. Hiện gia đình tôi bán được sản phẩm chè tôm nõn có giá từ 400-500 nghìn đồng/kg.
Toàn xã Phú Cường hiện có khoảng 1.200 hộ sản xuất, kinh doanh chè. Trên địa bàn xã có 1 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã (HTX) chè và 6 làng nghề chè truyền thống. Tính đến nay, xã có khoảng 30ha diện tích chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, một số hộ dân cũng đã chuyển sang trồng chè theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cây chè trên cùng một đơn vị diện tích cũng như đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, UBND xã Phú Cường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè. Trung bình mỗi năm có khoảng 20 lớp tập huấn dành cho các hộ dân. Trong 3 năm (2015-2018) có hơn 120 người dân trong xã được tham gia lớp sơ cấp nghề về trồng chè. Cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân trong xã cũng được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về máy móc, thiết bị. Trong các năm 2017-2018, xã có 4 mô hình chè đông được hỗ trợ hệ thống tưới bằng van xoay. Năm 2019, HTX Nông nghiệp bền vững và HTX Nam Cường được hỗ trợ tôn sao ga, trị giá gần 150 triệu đồng/ HTX, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, HTX đối ứng 30%...
Tổng diện tích chè không ngừng được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng cao đã đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần nâng thu nhập của người dân trong xã. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 35 triệu đồng/ người/năm, tăng gần 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Thông tin thêm về định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Nguyễn Kim Chinh cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn để khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu chè Phú Cường. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân liên kết hình thành các mô hình HTX kiểu mới, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị… Từ đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè của địa phương.