Được giá,dễ tiêu thụ

07:47, 29/11/2019

Mặc dù đã bước vào mùa khô nhưng nhiều nương chè của bà con nông dân trong tỉnh vẫn lên xanh mơn mởn, búp mọc tua tủa, đầy sức sống. Dù sản lượng không bằng chè chính vụ nhưng giá bán lại cao hơn do nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng nên bà con rất chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè.  

Vào lứa chè chính vụ, cứ khoảng 35 ngày là gia đình chị Bùi Thị Minh, ở xóm Phố, xã Phú Thịnh (Đại Từ) được thu hái nhưng làm chè vụ đông phải mất từ 40-45 ngày. Chị Minh chia sẻ: Vài năm trước đây, gia đình tôi chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè vụ đông. Vào mùa khô, gia đình tôi thường không chăm sóc mà để qua Tết Nguyên đán, thời điểm nắng ấm, có mưa xuân mới bắt đầu đốn chè, bón phân. Sau khi được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã đầu tư mua máy bơm và đường ống để bơm nước từ dòng suối nhỏ lên tưới chè hàng tuần vào mùa khô. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây nuôi búp. Nếu như trước đây, gia đình tôi chỉ thu hái được trung bình 6 lứa/năm thì nay đã tăng lên 8 lứa/năm. Lứa này, chuẩn bị được thu hái đã có khách đến tận nương chè đặt mua với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg. 

Tương tự, thời điểm này, vườn chè của gia đình bà Nguyễn Thị Đào, ở xóm Phù Ninh 2, xã Phú Đình (Định Hóa) cũng đang cho thu hoạch. Bà Đào phấn khởi cho biết: Càng về dịp cuối năm, chè càng được giá mà lại rất dễ bán. Trung bình mỗi lứa gia đình tôi thu hoạch được hơn 1 tạ chè khô, tại thời điểm này có giá bán 150 nghìn đồng/ kg (cao hơn 50 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng), thu về 15 triệu đồng. Mặc dù làm chè vụ đông vất vả hơn vì phải thường xuyên tưới nước nhưng được cái bù lại chè ít sâu bệnh hơn. Ngoài ra, làm chè vụ đông cũng giúp gia đình tôi có công việc và thu nhập ổn định đều quanh năm. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 21 nghìn ha chè, trong đó, diện tích chè sản xuất vụ đông chiếm khoảng 40%. Vài năm trở lại, bà con nông dân trong tỉnh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cụ thể, nếu như trước đây, bà con thường sử dụng thuốc trừ cỏ và phân hóa học thì nay, người dân đã dùng máy cắt cỏ, sau đó vùi tại rãnh chè để hạn chế cỏ mọc và giữ ẩm cho đất. Đồng thời, sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây chè. Quy trình bón phân cũng thay đổi, từ việc bón vãi trên lá thì nay bà con đã cuốc hố để vùi phân trong đất, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng từ từ và hạn chế rửa trôi phân bón. Ngoài ra, bà con cũng đã đầu tư hệ thống tưới bằng van xoay để giảm chi phí về công lao động. Trong quá trình chế biến, nhiều hộ sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng điện và máy hút chân không để bảo quản sản phẩm chè giữ nguyên hương vị đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích trồng chè giống mới chiếm hơn 70%.

Nói về kỹ thuật chăm sóc chè vụ đông, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng vào tháng 8, bà con tiến hành đốn chè, dọn dẹp vệ sinh cỏ dại, tỉa bớt cành lá và tạo tán. Nhằm hạn chế sâu bệnh, bà con phun thuốc lên tán và tập trung bón phân, tưới nước để chè nhanh ra búp. Đối với các hộ sống cạnh ao, hồ, sông, suối thì tận dụng nguồn nước tưới tự nhiên. Đối với các hộ không tiện nguồn nước thì tự khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới chè. Để phòng trừ các loại sâu bệnh hại, bà con cần thực hiện trồng và chăm sóc chè đúng kỹ thuật, bón phân cân đối, hợp lý nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây chè phát triển, đồng thời cải tạo đất. Đặc biệt, bà con cần lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tuân thủ đúng thời gian cách ly để đảm bảo sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.