Sau điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, nhiều gia đình, xóm, bản ở huyện vùng cao Võ Nhai “bỗng dưng” trở thành vùng lõi của rừng đặc dụng. Sự bất hợp lý này đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống của người dân. 6 năm đã trôi qua kể từ khi có những thay đổi đó, ngành chức năng vẫn loay hoay trước lời giải làm gì để gỡ khó cho bà con.
Đường bê tông đã trải dài đến tận trung tâm xóm, nhiều thứ có vẻ đã dễ dàng hơn nhưng qua cuộc trao đổi ngắn với anh Lý Văn Sinh, trưởng xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung chúng tôi mới biết cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Xóm có 43 hộ thì có tới 42 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Những cư dân đầu tiên của Lũng Hoài di cư từ Cao Bằng về từ khoảng năm 1979. Theo ông, cha, năm 1993, anh Sinh chuyển tới Lũng Hoài và được bầu làm công an viên từ đó kéo dài suốt 11 năm. Từ năm 2004, bà con lại yêu mến bầu anh làm trưởng xóm.
Dông dài như thế để thấy rằng anh Sinh thấu hiểu cuộc sống của từng người dân ở Lũng Hoài và tâm tư của anh cũng chính là tâm tư của người dân Lũng Hoài. Anh cho biết: Từ năm 1994, nhiều gia đình trong xóm đã được hướng dẫn kê khai đất và đã được cấp “bìa đỏ, bìa xanh”. Nhưng từ năm 2013, cả xóm vẫn đang canh tác, sinh sống bình thường, bỗng nhiên được thông báo tất cả nương đồi, nhà cửa bà con đang sinh sống, làm ăn lại lọt trong vùng lõi rừng đặc dụng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân không được phép phát dọn mở rộng diện tích đất canh tác, ai đang canh tác ở vị trí nào chỉ được “tạo điều kiện” làm trên đúng diện tích đó. Trong khi người dân đang muốn phát triển chăn nuôi đại gia súc, trước cả xóm chỉ có vài con bò, con trâu, hiện nay đàn trâu, bò của xóm đã lên tới 98 con. Bởi thế, việc không được trồng thêm cỏ voi ngoài diện tích trồng trước đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển chăn nuôi của người dân. Bên cạnh đó, những cây gỗ người dân tự trồng trước đây cũng không được phép khai thác vì tất cả đều đã thuộc diện tích rừng đặc dụng.
Anh Sinh cũng cho biết, đếm nóc nhà ở Lũng Hoài có thể thấy sẽ nhiều hơn con số trong báo cáo vì nhiều gia đình, con cái trưởng thành cho ra ở riêng nhưng không tách được hộ dù đã dựng nhà lên vì không được cấp đất thổ cư…
Đi thăm vài gia đình trong xóm, đến đâu chúng tôi cũng đặt chung một câu hỏi: Cuộc sống hàng ngày của bà con có liên quan nhiều đến rừng không? Câu trả lời chúng tôi nhận được là: Liên quan chứ, cái gì cũng từ rừng. Ví dụ nhỏ nhất là nấu cơm. Ở đây không dùng bếp ga, bếp điện, không có củi thì nấu cơm bằng gì? Vậy rừng bây giờ đã không được phép “xâm phạm” bà con làm thế nào?
Quan sát những gia đình đi qua và vào thăm, chúng tôi đã lý giải thêm về cái sự “liên quan” mà bà con nhắc tới. Hầu hết nhà cửa, chuồng trại, dụng cụ phục vụ lao động sản xuất và sinh hoạt đều được làm từ tre, nứa, gỗ - những sản phẩm từ rừng. Chúng tôi tự đặt giả thiết, tất cả các vật dụng đó đã được làm từ trước khi có quy định đây là rừng đặc dụng (trước năm 2013). Song lại tự trả lời, làm từ bao giờ thì khi hỏng cũng phải sửa chữa và thay thế, chưa kể trong bếp, ngoài nhà, gia đình nào cũng ngồn ngộn những đống “củi”. Bước vào gian bếp, sẽ dễ dàng bắt gặp ở đó có thân cây đường kính bằng cả sải tay người lớn đang cháy, than rừng rực trong bếp. Vậy, gỗ này ở đâu ra? Có thật rừng khi mang tên “đặc dụng” sẽ được bảo toàn toàn phần như mục đích khi quyết định điều chỉnh?.
Nằm trong diện tích rừng đặc dụng, cây trong vườn không được phép chặt, rừng tự trồng không được phép khai thác, củi khô trên rừng không được phép lấy… thì người dân sẽ sinh sống thế nào khi mà kế sinh nhai của họ đã gắn chặt với rừng? Đây là nỗi lo lắng của hàng chục khu dân cư khi bỗng nhiên bị quy hoạch vào diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Võ Nhai nói riêng và hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh nói chung.
Vấn đề này cũng đã từng được các đại biểu HĐND tỉnh đặt ra chất vấn lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh: Giải pháp nào để đảm bảo đời sống cho các hộ dân khi có đất rừng sản xuất chuyển sang đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Câu trả lời: Đây là việc tương đối khó. Vì hiện nay, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhưng mức hỗ trợ rất thấp. Do vậy, để đảm bảo đời sống cho người dân trước hết cần thực hiện tốt, vận dụng tối đa các chính sách hiện có liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp cụ thể tạo việc làm cho người dân để có cơ hội chuyển sang lao động phi nông nghiệp…
Chuyển đổi ngành nghề lao động sang phi nông nghiệp với đồng bào vùng cao ở một số xóm bản người dân tộc Mông như ở Võ Nhai là gần như không thể thực hiện được, bởi tập quán sinh sống và canh tác của họ bao đời đã gắn liền với ruộng nương, số người ly nông để đi làm ăn xa có thể đếm chưa hết trên đầu ngón tay… Bởi vậy, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng, tránh sự chồng chéo giữa các loại đất rừng như hiện nay là điều cơ quan chức năng cần sớm thực hiện.