Chia sẻ của những người chân lấm tay bùn

08:37, 16/12/2019

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của nông dân trong phát triển kinh tế. Từ phong trào này, nhiều nông dân vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú ngay trên mảnh đất quê hương. Nhân Hội nghị tổng kết phong trào giai đoạn 2017-2019 diễn ra tại T.P Thái Nguyên hôm nay (16-12), Báo Thái Nguyên xin giới thiệu một số gương điển hình trong phong trào.  

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Vũ Ngọc Quang, chi hội nông dân xóm Hồng Tiến, xã Trung Lương (Định Hóa)

Năm 2015, gia đình tôi chuyển đổi 2ha đất trồng lúa, chè sang trồng cây ăn quả, đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. So với trồng lúa và chè, cây ăn quả hiện nay cho thu nhập gấp 8-10 lần. Cụ thể, với quy mô trên 800 cây ăn quả các loại, như: Bưởi, cam, mít, hồng xiêm, ổi… kết hợp với trồng rừng và ao cá, mỗi năm trang trại thu về hàng trăm triệu đồng. Để có được thành quả như vậy là cả một quá trình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi những phương thức, mô hình mới, cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tôi nghĩ, người nông dân muốn vươn lên làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó, cần phải luôn đổi mới tư duy trong sản xuất, trau dồi kiến thức và nắm bắt xu thế thị trường. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã và đang từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác. 

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Nguyễn Thị Cương, chi hội nông dân xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình)

Gia đình tôi hiện đang sở hữu trang trại có quy mô 12 nghìn con gà mái đẻ và 8 lò ấp trứng, hoạt động theo quy trình khép kín, áp dụng khoa học - kỹ thuật cao vào chăn nuôi. Trang trại được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn, có hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hệ thống xử lý chất thải do ngành chức năng cấp phép, bảo đảm vấn đề môi trường trong phát triển chăn nuôi. Nếu môi trường không được xử lý tốt thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến chăn nuôi. Khi xây dựng trang trại, gia đình tôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn. Chất thải chăn nuôi được phân loại, xử lý, bảo đảm môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm. Trang trại hiện đang tạo việc làm ổn định cho 12 lao động thường xuyên và trên 30 lao động thời vụ tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng trực tiếp giúp đỡ 32 hộ nghèo trong và ngoài xã về vốn, con giống, cám không lấy lãi với số tiền 450 triệu đồng. 

Từng bước phát triển thương hiệu sản phẩm

Nguyễn Thành Viên, chi hội nông dân tổ 22, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)

Nếu như trước đây, các hộ trồng hoa trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết thì nay chúng tôi đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Thắp điện, che lưới, tưới nước... để hoa nở đúng thời điểm. Bên cạnh những loại hoa bình dân như cúc, đồng tiền, huệ... chúng tôi đã lựa chọn trồng thêm các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: Tuylip, Lily, Loa kèn… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì thế, vào thời điểm thu hoạch, gia đình tôi luôn có tư thương đến đặt mua. Nghề trồng hoa đã thực sự giúp gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân khác trong vùng thay đổi cuộc sống. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đầu năm 2019, tôi mạnh dạn đứng ra vận động trên 30 hộ dân tại tổ dân phố 21, 22, 23 thành lập tổ liên kết trồng hoa, với mong muốn từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương hiệu vùng sản xuất hoa Túc Duyên. 

Liên kết xây dựng vùng sản xuất tập trung

Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ)

Thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, Nam Hòa đang từng bước xây dựng, liên kết các hộ dân để hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng rau an toàn 5ha, vùng trồng cây ăn quả 15ha, vùng chăn nuôi trang trại 30ha, vùng kinh tế rừng 670ha, vùng trồng lúa mẫu lớn 120ha, chè 150ha. Việc liên kết theo chuỗi sản xuất được đặc biệt quan tâm, trong đó các vùng trồng rau đã thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng và dự kiến đi vào sản xuất đầu năm 2020. Trên địa bàn xã, chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như đã không còn, thay vào đó là chăn nuôi gia công, bán gia công với quy mô lớn tạo thành hàng hóa... Hoạt động sản xuất theo hướng tập trung, việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp và nâng cấp chất lượng sản phẩm tạo thành hàng hóa có giá trị kinh tế có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và mẫu mã sản phẩm được người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để tạo được chuỗi giá trị, liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong thời gian tới. 

Vận dụng hiệu quả nguồn vốn vay

Trần Văn Triệu, chi hội nông dân tổ 4B, phường Phố Cò (T.P Sông Công)

Từng thất bại nhiều lần trong chăn nuôi, nhưng sau mỗi lần thất bại, tôi lại rút ra được nhiều kinh nghiệm và không nản chí trước khó khăn. Năm 2012, sau khi thất bại từ chăn nuôi bò, lợn, tôi gần như trắng tay. Không còn vốn để tiếp tục tái sản xuất, khi ấy, tôi mạnh dạn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Thành phố Sông Công để đầu tư chăn nuôi gà sinh sản và ấp, nở gà giống. Vốn ít, tôi xác định “lấy ngắn nuôi dài” và “làm từ nhỏ đến lớn”, áp dụng khoa học kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm dân gian vào sản xuất; tìm các nguồn nguyên liệu và tự chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi để giảm bớt chi phí, hạ giá thành đầu vào. Sau nhiều năm, trang trại dần duy trì ổn định, cung cấp ra thị trường 1,2 triệu gà con mỗi năm, cho thu nhập trên 600 triệu đồng. Có thể nói, nguồn vốn được vay khi đó như chiếc “phao cứu sinh” của tôi trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, để thành công, người vay cũng cần phải tính toán, sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý, hiệu quả.