Chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi

07:46, 11/12/2019

Những ngày qua, tình hình thời tiết xuất hiện rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 7-9 độ C, gây ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi. Trước thực trạng trên, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y về các biện pháp chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.  

P.V: Thưa ông, trước tình hình nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, Chi cục đã triển khai những biện pháp gì để bảo vệ đàn vật nuôi?

Ông Lê Đắc Vinh: Để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết, bảo vệ đàn vật nuôi, ngày 9-12, Chi cục đã ban hành công văn đề nghị UBND các huyện, thành, thị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét; đặc biệt chú trọng khu vực có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, dịch bệnh. Cùng với đó, chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành, thị phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi tích cực thực hiện những biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

P.V: Chi cục khuyến cáo bà con áp dụng những biện pháp gì để phòng, chống rét cho vật nuôi, thưa ông?

Ông Lê Đắc Vinh: Cụ thể, đối với trâu, bò, bà con chủ động gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ướt nền chuồng. Đồng thời, bảo quản, dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô và chuẩn bị thức ăn tinh cũng như dự trữ chất đốt để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không thả rông trong rừng, núi, không chăn thả ngoài trời, không cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ dưới 12 độ C. Đối với lợn, bà con định kỳ vệ sinh làm sạch chuồng trại và phun thuốc khử trùng, tiêu độc, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa; đặc biệt không tắm cho lợn vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C. Đối với gia cầm, hộ chăn nuôi cần che chắn chuồng trại, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Đối với nuôi trồng thuỷ sản, bà con duy trì độ sâu mực nước ao trên 1,5m, mặt ao thả bèo tây, chiếm khoảng 1/2 - 2/3 diện tích ao. Bà con lưu ý, trong thời gian rét đậm, rét hại tuyệt đối không kéo lưới, không thu hoạch theo cách đánh tỉa, thả bù để tránh sây sát cho cá. 

P.V: Tại các huyện miền núi, vùng cao như Võ Nhai, Định Hóa, bà con thường có thói quen chăn thả gia súc trên rừng. Vậy công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi ở đây cần được quan tâm đặc biệt như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đắc Vinh: Đối với các huyện miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai, chúng tôi đã đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tăng cường công tác giám sát dịch bệnh và phòng, chống đói rét trên đàn gia súc; phân công cán bộ thường xuyên giám sát tại cơ sở chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống đói rét cho vật nuôi. Nhờ đó, bà con đã chú trọng hơn đến công tác phòng, chống rét, tiêm phòng và vệ sinh phòng bệnh cho đàn gia súc. Khi nhiệt độ xuống thấp, bà con đã có ý thức lùa gia súc từ trên rừng về chuồng trại, gia cố, tu sửa chuồng trại, dự trữ thức ăn thô, trồng thức ăn xanh để sẵn nguồn thức ăn cho gia súc. 

P.V: Cùng với việc chống rét, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng rất quan trọng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Vậy Chi cục đã triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đắc Vinh: Công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh cũng đã và đang được Chi cục tích cực phối hợp triển khai. Trong năm, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, Chi cục đã tổ chức tiêm phòng 42.000 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng; 176.100 liều vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, 1.500.000 liều vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm… Đồng thời, cấp trên 67.700 lít hóa chất và vôi bột hướng dẫn người dân thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, thống kê đàn vật nuôi để triển khai tiêm vắc-xin bổ sung phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. 

P.V: Dịp cuối năm cũng là thời điểm hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm diễn ra tấp nập, rất dễ lây lan dịch bệnh. Ngành chức năng có khuyến cáo gì đối với các hộ chăn nuôi tại thời điểm này?

Ông Lê Đắc Vinh: Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, công tác vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm cũng diễn ra sôi động, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần chú ý lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, và tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Cùng với đó, thường xuyên tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và hợp tác với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

P.V: Xin cảm ơn ông!