Giá thịt lợn hơi đang ở mức cao do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, nhiều hộ dân, trang trại chăn nuôi đang có xu hướng muốn tái đàn. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý chặt chẽ việc tái đàn theo quy định và tiếp tục tăng cường biện pháp dập dịch là vấn đề mà ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn lưu hành, nguy cơ tái phát ổ dịch có thể xảy ra thì người chăn nuôi lợn cũng đang cẩn trọng khi tái đàn. Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, chỉ các hộ chủ động được nguồn con giống và không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi mới đầu tư tái đàn. Còn đa phần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã từng bị dịch thì chưa dám. Đơn cử như trường hợp gia đình ông Nịnh Văn Sịch, ở tổ dân phố Cầu Lân, thị trấn Đu (Phú Lương). Gia đình ông có gần 20 con lợn bị chết vì dịch từ đầu tháng 8 và đến nay vẫn bỏ trống chuồng. Ông Sịch chia sẻ: Nhà tôi đã dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và rắc vôi bột xung quanh khu vực nuôi. Tuy nhiên, phải đến năm 2020 tôi mới dám nuôi tiếp vì hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc trị bệnh. Thêm vào đó, việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc giữa các vùng với nhau cũng rất dễ làm cho dịch bệnh lây lan.
Khác với chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại theo hình thức chuồng kín vẫn hoạt động bình thường. Anh Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi liên kết chăn nuôi với 21 trang trại trên địa bàn tỉnh với tổng đàn lợn hơn 14.700 con. Trung bình mỗi tháng, Công ty xuất ra thị trường 3.000 con lợn siêu nạc. Đối với các trang trại liên kết chăn nuôi với Công ty đều thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch. Đặc biệt, để hỗ trợ cho chủ các trang trại, Công ty đã mua vôi bột, chở trực tiếp đến từng hộ nuôi. Đồng thời hỗ trợ 300 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng đối với các hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ nên tất cả trang trại liên kết đều không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, lợn hơi xuất chuồng được bán với giá 69.500 đồng/kg.
Để dịch tả lợn châu Phi không bùng phát trở lại, góp phần giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối với với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trái phép bên ngoài vào địa bàn. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo phun tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch và các vùng lân cận. Anh Phạm Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Lục Ba (Đại Từ) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, toàn xã đã có gần 1.300 con bị tiêu hủy. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được diễn biến tình hình bệnh dịch; không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Nói về việc tái đàn trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Tại các địa phương đã công bố hết dịch, hộ chăn nuôi có thể tái đàn nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Cụ thể: Thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại và thiết bị, phương tiện phục vụ chăn nuôi; để trống chuồng nuôi ít nhất 30 ngày (đối với các cơ sở đã có dịch), có biện pháp diệt chuột, ngăn chặn côn trùng; trường hợp chuồng hở phải thực hiện bao lưới xung quanh và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, đăng ký, khai báo chăn nuôi với UBND cấp xã theo quy định và được cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định đáp ứng đủ điều kiện mới được tái đàn. Đặc biệt, đối với cơ sở chăn nuôi đã có dịch, ban đầu chỉ được nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì mới được tái đàn bằng tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Ngoài ra, lợn giống nhập về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, riêng đối với các địa phương chưa công bố hết dịch, người chăn nuôi tuyệt đối không được tái đàn. Nếu hộ chăn nuôi nào cố tình nhập đàn sẽ bị xử lý theo quy định và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để dịch phát sinh; không được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại khi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy. Trong trường hợp hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, tham gia chương trình giám sát dịch, hoặc đang áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học có xác nhận của Chi cục Chăn nuôi - Thú y thì được phép nhập lợn giống về nuôi theo quy định hiện hành và phải có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.
Có thể thấy, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được kiểm soát, thì người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát, không đảm bảo điều kiện dẫn đến dịch bùng phát trở lại. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo khôi phục phát triển ngành chăn nuôi.