Làng đào Cam Giá chuẩn bị vào vụ Tết

07:44, 05/12/2019

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thời điểm này, các hộ dân trồng đào ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) đang tất bật chăm sóc, vặt lá, tỉa cành để có chậu hoa bung nở vào đúng dịp Tết, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.  

Chúng tôi đến làng đào Cam Giá vào một ngày cuối tháng 10 âm lịch, thời điểm các hộ dân nơi đây đang bắt đầu công đoạn vặt lá để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi nụ hoa. Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng đào cảnh, gia đình ông Nguyễn Văn Phong, ở tổ 15 hiện có hơn 700 gốc đào to, nhỏ các loại. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phong cho biết: Nhà tôi có hơn 4.000m2 đất trồng đào cảnh. Trước đây, khi mới trồng, chúng tôi chưa biết cách hãm để cho hoa nở đúng dịp Tết. Ngoài ra, cây cũng thường bị các loại sâu bệnh như: Nấm, sâu ngọn, vàng lá… ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của hoa. Dần dà, vừa trồng vừa học hỏi, chúng tôi đã có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc hoa đào. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đem những gốc đào ra ruộng trồng, chăm sóc. Đến cuối tháng 8, tháng 9, chúng tôi lấy dao tiễn quanh thân cây, đối với cây có gốc xù xì thì đào đất quanh gốc để hạn chế sự phát triển cành, lá. Sang tháng 11, chúng tôi bắt đầu bẻ hết lá để nhường chỗ cho mầm cây nảy lộc, ra nụ, kịp ra hoa đúng dịp Tết. Từ trồng đào, gia đình tôi có thu nhập trung bình trên 500 triệu đồng/năm.

Cũng giống như ông Phong, thời điểm này, anh Lê Minh Sơn, ở tổ 10 cũng đang tất bật chăm sóc vườn đào của gia đình. Anh Sơn chia sẻ: Gia đình tôi có 5.000m2 đất trồng hoa đào, trong đó đa phần là những gốc đào to, cổ thụ; gồm 2 loại là bích đào và đào phai. Không giống như cây cảnh phải tạo dáng, tạo thế cầu kỳ, hoa đào chỉ dựa theo thế cây có sẵn và cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt, nhiều nụ, nhiều hoa là được khách hàng lựa chọn. Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 10 âm lịch là đã có khách buôn đến xem cây và đặt mua, thuê cây. Năm nay, chúng tôi đã có khách đặt mua khoảng 20% số lượng đào tại vườn.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài giống đào của địa phương, vài năm trở lại đây, người trồng đào ở Cam Giá còn đi các tỉnh vùng sâu, vùng xa như: Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn… để mua những gốc đào rừng về tiến hành ghép mắt đào phai, đào bích cung cấp cho thị trường. Tại làng nghề hiện có những cây đào cổ thụ được trồng cả chục năm, chăm sóc, cắt tỉa có thế đẹp, hoa nhiều được bán với giá hơn chục triệu đồng/cây, còn nếu cho khách thuê để chơi Tết thì giá dao động từ 4-8 triệu đồng/cây tùy loại, những cây mới trồng thì có giá từ 200.000 - 1.000.000 đồng/cây. Trung bình, mỗi hộ dân trồng đào có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần ổn định cuộc sống. Đặc biệt, từ năm 2016, hoa đào Cam Giá đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”, góp phần nâng cao giá trị cây hoa đào của địa phương. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Giá cho biết: Toàn phường hiện có hơn 200 hộ trồng đào với tổng diện tích hơn 8,5ha. Để hỗ trợ bà con, trong năm 2019, chúng tôi đã tổ chức được 6 lớp tập huấn về nghề trồng hoa, trong đó có hoa đào cho hơn 200 lượt hộ dân tham gia. Cùng với đó, phường phối hợp tổ chức hội thảo sử dụng phân bón vi sinh cho cây đào và tổ chức cho hơn 30 lượt hội viên đi tham quan thực tế tại làng đào Nhật Tân (Hà Nội) để bà con học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa đào. Qua đó, từng bước đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Hoa đào Cam Giá. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ in hơn 10 chiếc băng rôn, khẩu hiệu giới thiệu về Làng nghề hoa đào Cam Giá để thu hút khách hàng đến tìm mua hoa cũng như du khách đến trải nghiệm và chụp ảnh tại các vườn đào.