Xuất hiện từ tháng 5-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 24/24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 15.000 con lợn bị tiêu hủy (chiếm 34% tổng đàn lợn của huyện), gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi. Trong cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi, huyện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp người chăn nuôi ổn định cuộc sống, từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi có hiệu quả.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, sau hơn 6 tháng bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã có hơn 15.000 con lợn của 1.646 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 800 tấn, ước tính thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, huyện Định Hóa đã chi trên 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của huyện và các xã, thị trấn để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện đã từng bước được khống chế. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 2 xã công bố hết dịch và 7 xã trải qua trên 30 ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới. Mặc dù, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng, tuy nhiên, thiệt hại mà nó gây ra đối với người chăn nuôi trên địa bàn huyện là vô cùng nặng nề, hàng trăm hộ chăn nuôi đã bị mất hết vốn liếng sản xuất, lâm vào tình cảnh khó khăn, nợ nần.
Trước tình hình đó, để kịp thời hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, huyện Định Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiến hành thống kê, kiểm đếm và lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Trên cơ sở đó, huyện đã đề nghị tỉnh cấp nguồn kinh phí trên 22 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn. Cuối tháng 11 vừa qua, ngay sau khi nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ đợt 1 của tỉnh với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng, huyện Định Hóa đã phân bổ cho các xã, thị trấn để tiến hành chi trả cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo đúng quy định. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Anh Tấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đến thời điểm này, hầu hết các hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng đều đã nhận được tiền hỗ trợ. Mặc dù số tiền hỗ trợ chỉ bằng một phần nhỏ so với thiệt hại của người chăn nuôi, tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn này, nó sẽ là “cứu cánh” giúp cho bà con có thêm nguồn vốn cũng như động lực để phục hồi sản xuất, chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác.
Cùng với việc khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, hiện nay, huyện Định Hóa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trước mắt, khuyến cáo người dân không nên vội vàng tái đàn khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan trở lại. Thời điểm này, người dân được khuyến cáo nên tận dụng chuồng trại bỏ trống để chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Bà Lưu Thị Hà, thôn Khuôn Câm, xã Quy Kỳ, một trong những chủ hộ chăn nuôi chịu thiệt hại lớn do dịch tả lợn châu Phi, cho biết: Hồi đầu tháng 6, gia đình tôi bị tiêu hủy 276 con lợn với tổng trọng lượng trên 18,1 tấn, ước tính thiệt hại gần 900 triệu đồng. Cũng may, mới đây gia đình tôi đã nhận được 514 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ có số tiền hỗ trợ này, gia đình tôi đã trả bớt được một phần nợ ngân hàng và có thêm vốn để đầu tư chăn nuôi 12 con bò sinh sản và bò thịt.
Theo thống kê, vào thời điểm hiện tại, mặc dù đàn lợn của huyện Định Hóa bị giảm gần 34% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của toàn huyện năm 2019 vẫn đạt 7.500 tấn, bằng 95% so với kế hoạch. Kết quả đó là nhờ người dân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu vật nuôi sau cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn huyện có trên 800 nghìn con, tăng 20% so với cùng kỳ; đàn trâu 5.521 con, tăng gần 3% so với cùng kỳ; đàn bò 5.000 con, tăng 5% so với cùng kỳ… Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Hiện tại, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện đã tạm lắng so với trước. Tuy nhiên, huyện vẫn chỉ đạo các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên chủ quan, vội vàng tái đàn sớm. Từ nay đến Tết Nguyên đán, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và đàn lợn nói riêng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với người dân.