Sức sống một làng nghề chè

09:53, 07/01/2020

Làng nghề chè truyền thống Ao Cống, xã Phú Đô (Phú Lương) nằm trong một lũng núi xa huyện. Với gần 70 hộ, gần 300 nhân khẩu, hơn 90% số hộ là người dân tộc Sán Chí. Từ làm chè, đồng bào có cuộc sống ổn định, hiện có hơn 80% số hộ đạt tiêu chí kinh tế khá. Hầu hết các hộ đều có nhà ở chắc chắn, có phương tiện nghe, nhìn và xe máy đi lại thay đôi chân.  

Theo lời kể của các bậc cao niên: Từ năm 1950, khoảng 10 gia đình người dân tộc Sán Chí về đây mở đất, lập làng, lấy tên Ao Cống. Ông Bế Quy Hòa, Trưởng xóm cho biết: Năm 1956, một số hộ đã rủ nhau đến các vùng chè lân cận để tìm nhặt quả về ươm trồng trên nương bãi. Hợp thổ nhưỡng và được bàn tay con người cần cù chăm bón, cây chè bén rễ, cho sản phẩm ngon thơm độc lạ nên được tư thương từ thành phố ngược dốc đường về đặt bao tiêu sản phẩm.

Nhận thấy cây chè dễ trồng, dễ chăm nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương, nên đồng bào Ao Cống tự hối thúc nhau phá bỏ vườn tạp, cải tạo nương bãi lấy đất trồng chè. Do hợp thổ nhưỡng, hạt chè đặt xuống lạch đất, đợi sau 3 xuân là được thu hái, bán ra lấy tiền đong ngô thóc. Cuộc sống của người dân nhanh chóng được ổn định. Từ trước năm 1990, Ao Cống không còn hộ thiếu lương thực giáp vụ.

Ông Phùng Minh Khai, người từng 16 năm liên tục làm trưởng xóm (mới xin nghỉ gần 1 năm nay) cho biết: Ao Cống là Làng nghề chè truyền thống duy nhất của xã Phú Đô, với hơn 25ha chè, trong đó có hơn 50% diện tích chè cành giống mới, cho năng suất cao gồm: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc… Do nắm bắt được khoa học kỹ thuật, chịu đầu tư chăm bón, chè đạt năng suất 100 tấn búp tươi/ha. Theo đó sản lượng chè búp khô hằng năm đạt 400 tấn. Với giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, mỗi năm cây chè mang lại cho người dân Ao Cống số tiền 60 tỷ đồng. Ông Khai là một người có kinh nghiệm làm chè ở Ao Cống. Hiện gia đình ông có hơn 3.000m2 đất trồng chè, trong đó có 1.000m2 đất trồng chè cành giống mới TRI 777, 1 năm thu hái 8 lứa, đạt 2,5 tạ chè búp khô/lứa. Từ làm chè, gia đình ông Khai có thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Đến thăm nương chè của gia đình bà Bế Thị Cảnh, chúng tôi gặp nhiều bà con đang ríu ran trò chuyện, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt hái chè. Khi được hỏi về diện tích chè của gia đình, bà Cảnh xởi lởi: Không nhớ mình có bao nhiêu đất trồng chè, chỉ biết làm cỏ, bón phân, 1 năm được ra đồi thu hái 8 lứa, mỗi lứa chế biến được 70kg chè búp khô, có bao nhiêu tư thương đến nhà đặt mua hết. Qua câu chuyện chúng tôi được biết thêm: Ở Ao Cống, các hộ làm chè tự liên kết lại thành từng nhóm làm đổi công. Để chè không quá lứa, bà con tự “sắp lịch” thu hái lần lượt theo từng lô, khoảnh của từng hộ. Cách thu hái như vậy tạo cho việc chăm sóc chè được thuận lợi hơn, nhất là việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Ông Trần Quốc Hoa, Bí thư Chi bộ xóm tâm đắc: 3 yếu tố quan trọng giúp nông dân vùng chè Ao Cống tự tin trong sản xuất là: Có kinh nghiệm; có khoa học kỹ thuật và có vốn đầu tư cho sản xuất. Chính vì thế mà sản phẩm chè của nông dân Ao Cống ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. 

Ông Hoa là một trong những nông dân có nhiều chè nhất ở Ao Cống, với gần 5.000m2 đất chè, mỗi năm đạt thu nhập khoảng 350 triệu đồng. Công việc nhà bận rộn, nhưng ông hăng hái, tích cực đến các nương chè, vận động bà con tham gia sản xuất chè an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu chè Ao Cống. Ông tự hào: Ao Cống được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Làng nghề chè truyền thống từ hơn 3 năm nay (2016). Được công nhận là Làng nghề, bà con phấn chấn, động viên nhau gìn giữ tiếng thơm, phát huy truyền thống để hương chè Ao Cống lan tỏa, ngày một bay xa. 

Với truyền thống hơn 50 năm làm nghề chè, nên người dân Ao Cống tự hào về kinh nghiệm làm chè mình có. Nhiều người dân tự tin nói: Chỉ cần nhìn búp chè ngoài đồi là biết chủ nhà dùng phân bón; hoặc sử dụng thuốc trừ sâu loại gì, thậm chí nói rõ được tính năng, độc tố, tác dụng, tác hại của từng loại thuốc trừ sâu. Chính vì thế mà giữa các hộ làm chè luôn tự giám sát tế nhị, đồng thời có ý kiến khéo léo để hướng cho nhau cùng sản xuất chè theo chuẩn VietGAP. Ông Trần Quý Trọng cho biết: Gia đình tôi có hơn 3.000m2 đất chè. Để cây chè phát triển tốt, búp chè ngon, gia đình tôi thường xuyên bón thêm phân chuồng và phòng trừ sâu hại bằng thuốc thảo mộc sinh học. 

Nhìn từng dải đồi bát úp tròn trịa, căng mòng màu xanh diệp lục của chè,  chúng tôi biết những cư dân trên vùng đất này đã luôn năng động, sáng tạo, biết phát huy lợi thế đất đai, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Tất cả những thành quả lao động sản xuất và phong trào ở Ao Cống được “chép lại” với hơn 100 Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương treo trang trọng trên tường nhà văn hóa xóm. Nổi bật là Bằng công nhận Làng Văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh 5 năm 1999-2003 của UBND tỉnh; Bằng khen Làng Văn hoá tiêu biểu của tỉnh 10 năm 19892009 của UBND tỉnh; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho cán bộ, nhân dân xóm vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2000-2010; Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho xóm vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2018.

Tất cả như bức tranh tươi mới phản ánh cuộc sống lao động sản xuất; kết quả các phong trào thi đua yêu nước của người dân Làng nghề chè Ao Cống. Và dù cuộc sống mỗi người còn nhiều bận rộn, nhưng truyền thống đoàn kết, tinh thần vì lợi ích chung, người dân Ao Cống đồng lòng, chung sức, bền bỉ thi đua giữ vững danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh từ 20 năm nay. Khi chia tay, ông Hoa thông báo với chúng tôi tin vui: Ngày hội Đại đoàn kết năm 2019, hơn 90% số hộ của Ao Cống có tên trong danh sách đạt tiêu chí gia đình văn hóa.