Những ngày qua, dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện tại một số địa phương trong nước, khiến người chăn nuôi lo lắng. Đối với Thái Nguyên, mặc dù chưa xuất hiện ổ dịch nhưng Sở Nông nghiệp - PTNT đã khẩn trương phối hợp với ngành chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất và ngăn chặn nguy cơ lây sang người.
Vừa mới thả lứa gà được hơn 2 tuần, những ngày này, gia đình chị Dương Thị Minh Nguyệt, xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) luôn tất bật với việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà. Chị Nguyệt chia sẻ: Nhà tôi thường xuyên nuôi 2.000 con gà/lứa, trung bình 1 năm nuôi 3 lứa. Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết dịch cúm gia cầm đã và đang xảy ra tại một số tỉnh trong nước nên gia đình tôi càng tăng cường công tác phòng dịch. Cụ thể, gà giống chúng tôi nhập từ các công ty có nguồn gốc rõ ràng, có tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nếu như trước đây, tôi chỉ phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại 1 lần/ tuần thì nay tôi phun 2 lần/tuần.
Còn đối với trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Nguyễn Thị Hương Thanh, ở tổ dân phố Cầu Trắng, thị trấn Đu (Phú Lương), ngoài làm tốt công tác khử trùng, tiêu độc chuồng trại chị còn quan tâm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Chị Thanh cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh cúm gia cầm, gia đình tôi nuôi gà với mật độ phù hợp tùy theo lứa tuổi, thức ăn cho gà cũng được nhập từ cơ sở có uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, nhà tôi tuyệt đối không sử dụng thức ăn bị ẩm mốc, kém chất lượng hoặc từ vùng có dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Lương thông tin: Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các khu vực công cộng. Cùng với đó, hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi, trong quá trình chăm sóc đàn gia cầm cần thường xuyên theo dõi, khi phát hiện có biểu hiện mắc dịch cúm thì không được giấu bệnh mà cần báo sớm cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để xử lý, khoanh vùng dập dịch nhằm hạn chế lây lan.
Gia đình chị Dương Thị Minh Nguyệt, xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gà.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có trên 14 triệu con gia cầm. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm ra vào tỉnh; ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định và kiểm soát giết mổ gia cầm. Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (từ ngày 15-2 đến ngày 15-3) trên địa bàn toàn tỉnh và triển khai cung ứng hóa chất, vắc-xin tiêm phòng đợt 1 năm 2020 để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng, đồng thời tăng cường tuyên truyền để các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, như: Áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn và sau mỗi lần xuất chuồng.
Hiện đang ở thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho các chủng virus cúm gia cầm phát sinh. Đây cũng là giai đoạn các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn sau Tết nên việc lưu thông và nhập giống gia cầm diễn ra nhộn nhịp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, cùng với việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng chống dịch bệnh, tránh gây thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, người chăn nuôi không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi. Còn đối với người dân, cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm chết và chất thải từ gia cầm; không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như: Gà, vịt, ngan, chim cút… Đặc biệt, bệnh có thể lây sang người và gây tử vong. |