Khoảng 2 tuần trở lại đây, giá gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số bếp ăn tập thể của các trường học ngừng hoạt động, còn các nhà hàng, khách sạn cũng thưa vắng khách. Cùng với đó, thông tin dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số tỉnh, thành trong nước khiến người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt gà.
Thời điểm này, đi thực tế tại một số trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy đa số các hộ đều thấp thỏm, lo lắng vì gà đã đến tuổi xuất chuồng mà sức tiêu thụ chậm khiến giá bán lại xuống thấp. Anh Đỗ Minh Tú, chủ trang trại gà ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Quy mô trại của tôi có 8.000 con gà lông màu. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá gà bắt đầu giảm sâu, từ 80 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 40-45 nghìn đồng/kg mà còn khó bán. Trong khi đó, giá gà trên 50 nghìn đồng/ kg, người chăn nuôi mới có lãi. Với giá này, người chăn nuôi lỗ từ 5-10 nghìn đồng/kg. Trước đây, khi gà đến tuổi xuất bán, các thương lái đến nhà tôi mua hết trong vòng 1 tuần, nhưng nay, nhà tôi vẫn còn hơn 1.000 con trong chuồng chưa bán được.
Tương tự, tại cơ sở chăn nuôi gà lông trắng của gia đình chị Lương Thảo Ngân, ở xóm Hoa 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) những ngày này, đàn gà hơn 2.000 con đã đến kỳ bán mà chưa có thương lái đến hỏi mua. Chị Ngân chia sẻ: Nhà tôi vừa xuất bán hơn 2.000 con gà với giá 19 nghìn đồng/kg, thua lỗ gần 80 triệu đồng. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, gà còn được trên 30 nghìn đồng/kg nhưng cũng khiến chúng tôi lỗ 2 nghìn đồng/ kg. Thêm vào đó, sau Tết, có ngày giá gà giảm chỉ còn 13 đến 14 nghìn đồng/kg khiến chúng tôi thua lỗ nặng. Thêm vào đó, so với thời điểm cách đây một vài tháng, trung bình 1 bao cám đã tăng từ 2.000-5.000 đồng.
Cũng giống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp cũng bị giảm giá, tuy nhiên vẫn có đầu ra ổn định. Anh Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Hiện, chúng tôi đang liên kết chăn nuôi gà với 34 trang trại trên địa bàn tỉnh. Giá gà của chúng tôi cũng giảm từ 47 nghìn đồng/kg xuống còn 31 nghìn đồng/kg (gà lông màu) và 38 nghìn đồng/kg xuống còn 20,5 nghìn đồng/kg (gà lông trắng) so với trước Tết. Mặc dù vậy, lượng gà của Công ty vẫn được tiêu thụ ổn định.
Giá gà giảm sâu không chỉ khiến các hộ chăn nuôi lo lắng mà các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đang bị ảnh hưởng. Bà Phạm Thị Dung, đại lý cám Hoan Dung, ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho hay: Thời điểm bán chạy hàng, nhà tôi thường nhập về 2-3 tấn/ngày nhưng hiện tại, từ 3-5 ngày mới nhập về 5 tấn, lượng hàng bán cũng chậm hơn hẳn. Nếu như mọi năm, sau Tết là thời điểm các hộ chăn nuôi tiến hành dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, lựa chọn con giống chất lượng để tái đàn thì năm nay người chăn nuôi chưa tái đàn bởi lo ảnh hưởng của dịch bệnh. Còn theo anh Đặng Văn Sử, chủ đại lý kinh doanh cám ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) thì hiện gia đình anh đang cung ứng thức ăn chăn nuôi cho khoảng 150 trang trại, gia trại trên địa bàn huyện, tỉnh, với khoảng hơn 100 tấn/tháng. Do không bán được gà nên việc thanh toán tiền cám của các hộ chăn nuôi bị chậm hơn so với thời gian trước, gia đình anh Sử đành phải vay thêm nguồn vốn để duy trì kinh doanh.
Anh Vũ Ngọc Sơn, xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tích cực chăm sóc đàn gà của gia đình để tăng sức đề kháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Năm qua, người chăn nuôi liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả thị trường lên xuống bấp bênh, thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi cũng khiến nhiều hộ thua lỗ nặng. Mặc dù thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá gà có khởi sắc nhưng từ sau Tết đến nay, giá gà lại giảm dần. Bên cạnh nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều trường học, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động thì các hoạt động cưới hỏi, mừng thọ… của người dân cũng giảm quy mô càng khiến việc tiêu thụ gia cầm hạn chế. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ, mới chỉ có số ít tham gia liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp mới được bao tiêu đầu ra. Vì thế, khi xảy ra dịch bệnh hoặc cung vượt cầu sẽ khiến giá cả sẽ lên xuống bất thường và khó tiêu thụ.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y khẳng định: Hiện tại, Thái Nguyên chưa phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Vì vậy, để đạt hiệu quả trong chăn nuôi, các hộ dân cần đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cũng nên quan tâm đến việc liên kết theo chuỗi từ việc cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm…
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy, các hộ dân cần chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như cân nhắc tái đàn để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong chăn nuôi.