Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

10:03, 12/03/2020

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường mà còn góp phần thay đổi thói quen của bà con nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.  

Vài năm trước đây, nhắc đến nhà màng, nhà lưới, nhiều người dân Thái Nguyên vẫn còn cảm thấy xa lạ thì nay, nhiều hộ dân trong tỉnh đã áp dụng kết hợp ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc cây trồng. Đơn cử như mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới của gia đình anh Vũ Văn Bảo, ở xóm 9, xã Cổ Lũng (Phú Lương), với diện tích hơn 2.000m2, anh Bảo chỉ cần bấm nút điều khiển bằng điện thoại, công đoạn tưới cây tự động sẽ hoàn thành theo đúng thời gian đã cài đặt. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dưa chuột đang chuẩn bị cho ra quả, anh Bảo chia sẻ: Năm 2019, nhà tôi bắt đầu trồng thử nghiệm mô hình dưa chuột trong nhà lưới theo công nghệ Isarel. Toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt thực hiện 2 chức năng tưới nước và cung cấp phân bón hòa tan cho cây, chúng tôi đều sử dụng nước sạch. Còn phân bón, chúng tôi không sử dụng phân vô cơ mà chủ yếu là phân hữu cơ đã được ngâm ủ và các chế phẩm sinh học để xử lý đất, phòng bệnh. Thuốc trừ sâu sinh học cũng được sử dụng để diệt một số loại sâu bệnh gây hại. Đến nay, nhà tôi cũng đã thu hoạch được hơn chục tấn dưa bao tử với giá bán trung bình 20 nghìn đồng/kg. Từ quy mô ban đầu 1.000m2, hiện nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng dưa chuột lên 2.000m2. Tôi nhận thấy, cây dưa chuột sinh trưởng, phát triển tốt trong nhà lưới, ít sâu bệnh, hoàn toàn có khả năng sản xuất thuận lợi quanh năm ngay cả trong điều kiện thời tiết mà phương thức sản xuất ngoài trời thông thường khó thực hiện như nắng nóng, mưa, bão… 

Cũng chọn nông nghiệp sạch làm hướng phát triển, sau một thời gian áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) bước đầu đã tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Liên, thành viên Hợp tác xã chia sẻ: Với 3 sào đất, nhà tôi trồng rau quanh năm, mùa nào thức nấy. Từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh đến khi thu hoạch chúng tôi đều tuân thủ theo đúng quy trình để có những sản phẩm vừa ngon, vừa đẹp mắt, quan trọng nhất là phải sạch, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường. Hiện nay, rau của chúng tôi cũng đã được tiêu thụ ở bếp ăn tập thể của một số trường học trên địa bàn. Trung bình mỗi lứa rau, nhà tôi cũng thu được 5 - 6 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua. Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 1.200ha, tập trung ở các xã: Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên); Nhã Lộng, Đào Xá (Phú Bình); Động Đạt (Phú Lương); Đông Cao (T.X Phổ Yên)… Tại các vùng rau, bà con đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn, VietGAP, ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, sản xuất rau trái vụ... Riêng đối với cây chè, toàn tỉnh cũng đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP là hơn 2.000ha.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có trên 770 trang trại, trong đó có 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường; 32 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và 56 trang trại an toàn dịch bệnh. Thời gian qua, nhiều nông dân đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để đầu tư vốn, kỹ thuật, công nghệ mới vào quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng trong chăn nuôi. Cụ thể, toàn tỉnh có trên 50 mô hình liên kết chăn nuôi với Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên. Chị Đoàn Thị Nguyệt, ở xóm 14, xã Phú Xuyên (Đại Từ), một trong những hộ dân tham gia liên kết chăn nuôi với Công ty chia sẻ: Nuôi gia công cho Công ty, chúng tôi chỉ cần đầu tư chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, nhân công lao động. Về phía Công ty đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Khi xuất bán, chúng tôi sẽ được hưởng chi phí nuôi gia công theo hợp đồng đã ký kết, không phải lo thị trường tiêu thụ nên rất yên tâm sản xuất. 

Có thể thấy, một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh ta mặc dù mới phát triển bước đầu nhưng kết quả thu được khá khả quan. Qua đó, góp phần hình thành các mô hình, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất ra những sản phẩm được chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, tham gia liên kết cung cấp sản phẩm qua kênh phân phối theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng, siêu thị trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên khẳng định: Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản không chỉ gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng nông sản trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đang là hướng đi ưu tiên và mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.