Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong mùa mưa bão năm nay, thời tiết sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để bảo đảm an toàn các hệ thống đê, kè được giao quản lý, Chi cục Thủy lợi đã và đang tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng đê để xây dựng phương án bảo vệ những trọng điểm, điểm xung yếu.
Sống cạnh đê Gang Thép từ nhiều năm nay, gia đình bà Dương Thị Thịnh, ở tổ 4, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) luôn chấp hành tốt quy định về bảo vệ hành lang an toàn đê. Trao đổi với chúng tôi, bà Thịnh chia sẻ: Được cán bộ Hạt quản lý đê Thành phố tuyên truyền, không chỉ riêng nhà tôi mà các hộ dân trong tổ đều làm nhà, làm vườn trên đúng phần đất của gia đình, không lấn chiếm đất hành lang để sản xuất.
Đi bộ dọc tuyến đê Gang Thép, chúng tôi quan sát thấy chất lượng thân đê và nền đê cơ bản tốt, chưa phát hiện thấy vết nứt, hiện tượng mạch đùn, mạch sủi… Mặt đê tại vị trí tiếp giáp với 2 đầu cầu Đá Gân bị hư hỏng đã được duy tu sửa chữa bằng nguồn vốn địa phương năm 2019, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại. Tuy nhiên, đoạn từ Km6+500 đến Km6+600 và Km7+500 đến Km7+800 xuất hiện tổ mối, đây là ẩn họa trong thân đê cần được đầu tư kinh phí để xử lý dứt điểm nhằm bảo đảm an toàn cho công trình.
Còn tại tuyến đê Hà Châu dài 16,4km thuộc địa bàn huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên, chất lượng mặt đê toàn tuyến tốt. Một số đoạn thân và nền đê yếu trước đây thường xảy ra mạch sủi, bãi sủi, giếng phụt hiện nay đã được xử lý gia cố thân đê bằng khoan phụt vữa; đoạn từ Km8+100 đến Km8+600 đã được xử lý thấm, đùn sủi. Tuy nhiên, trên tuyến đê vẫn còn một số vị trí có thể xảy ra mạch sủi, bãi sủi, rò rỉ... đoạn từ Km6 đến Km6+200 mái đê phía sông yếu; dọc tuyến đê trong hành lang còn 11 vị trí có đầm, ao cần được đầu tư kinh phí để san lấp mới bảo đảm an toàn cho công trình khi có mưa, lũ xảy ra. Anh Nguyễn Vinh Thái, Trưởng phòng quản lý đê điều - Chi cục Thủy lợi cho biết: Từ cuối tháng 2, chúng tôi đã phối hợp cùng với các Hạt quản lý đê tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng từng tuyến đê để xây dựng phương án hộ đê. Đồng thời, tiến hành tu sửa, bổ sung cột mốc, biển báo và phát quang mái đê, chân đê để phục vụ công tác tuần tra, canh gác trong mùa mưa lũ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 48,2km đê cấp III, IV, tập trung ở huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên. Dọc các tuyến đê có 26 kè hộ bờ; 24 cống qua đê; 12 điếm canh đê; 3 Hạt quản lý đê và 13 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão. Kết quả đánh giá hiện trạng trước mùa mưa lũ năm 2020 cho thấy, hiện nay, cơ bản các tuyến đê bảo đảm đủ khả năng chống lũ so với mực nước thiết kế. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện có 3 khu vực trọng điểm cấp tỉnh gồm: Sạt lở bờ sông vị trí từ Km5+750 đến Km6+200 tuyến đê Hà Châu; kè xóm Soi vị trí từ Km3+160 đến Km3+698 tuyến đê Chã; tuyến đê chỉnh trang T.P Thái Nguyên vị trí từ Km0+000 đến Km2+150. Ngoài ra, còn có một số khu vực, vị trí xung yếu như: Sạt lở bờ sông vị trí từ Km5+050 đến Km5+450 tuyến đê Chã; sạt lở bờ sông vị trí từ Km15+720 đến Km15+920 tuyến đê Hà Châu; sạt lở Kè Soi Quýt vị trí từ Km6+670 đến Km7+620 tuyến đê Hà Châu; kè Xuân Vinh vị trí từ Km4+550 đến Km4+850 tuyến đê Tả Công.
Trao đổi với chúng tôi về những biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè trong mùa mưa bão năm nay, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Cùng với việc xây dựng phương án bảo vệ những trọng điểm, điểm xung yếu, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuần tra canh gác, sẵn sàng ứng cứu, bảo đảm an toàn đê điều theo mức thiết kế. Đồng thời, lên phương án bổ sung, dự trữ các loại rọ thép, bao nilon, bạt chống tràn, đá răm, phao cứu sinh, cuốc, xẻng… tập kết tại những đoạn đê, kè xung yếu để sẵn sàng hộ đê. Tuy nhiên, để hệ thống công trình đê điều và các công trình phụ trợ được an toàn, phát huy hiệu quả và bảo đảm chống lũ năm 2020 và trong những năm tiếp theo, rất mong các cấp, các ngành xem xét, bổ sung kinh phí cho Sở Nông nghiệp - PTNT, Chi cục Thuỷ lợi để triển khai thực hiện các dự án duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các công trình đê, kè và công trình phụ trợ, đường gom chân đê... phù hợp với quy hoạch và mở rộng mặt đê kết hợp giao thông; xử lý dứt điểm các vị trí trọng điểm, xung yếu trên các tuyến đê, góp phần phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng, để bảo đảm an toàn các tuyến đê, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, xử lý các sự cố về đê trong mùa mưa bão. Đối với người dân sinh sống dọc các tuyến đê cần tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, không lấn chiếm hành lang an toàn thân để sản xuất, sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê cũng gây khó khăn trong việc ứng cứu của các lực lượng chức năng khi có tình huống thiên tai xảy ra.