Phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở xã An Khánh (Đại Từ).
Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật từ năm 2010, ban đầu gia đình ông Tô Văn Vinh, ở xóm Tân Bình chỉ nuôi một vài đàn để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy việc nuôi ong có vốn đầu tư thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao, ông Vinh đã mạnh dạn phát triển lên 50 đàn ong. Bên cạnh việc tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong đi trước, ông còn tích cực tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong do Hội Nông dân xã tổ chức. Hiện, trung bình mỗi năm gia đình ông Vinh thu khoảng 500 lít mật với giá bán bình quân từ 120-150 nghìn đồng/lít, đem lại thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, ông Tô Văn Vinh cho biết: Muốn nâng cao sản lượng, người nuôi ong có thể di chuyển đàn đến những vườn cây hay khu vực rừng có nhiều hoa. Chất lượng mật tốt nhất khi ong lấy mật từ cây ăn quả, trong đó mật ong hoa nhãn có giá trị cao hơn cả (cao hơn các loại mật khác khoảng 50 nghìn đồng/lít). Thông thường, từ tháng 9 âm lịch, người nuôi sẽ tạo chúa mới, nhân đàn và thực hiện chăm sóc, giữ ấm cho đàn ong cho tới hết mùa đông giá lạnh. Con ong có khỏe thì mới đảm bảo cho việc khai thác mật đúng tiêu chuẩn chất lượng. Sản lượng mật nhiều vào tháng 2 âm lịch, đó là mùa hoa vải, hoa nhãn, cứ khoảng 10 ngày là được lấy mật một lần. Từ tháng 3 đến tháng 6 Âm lịch là thời gian thu mật rừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn xã An Khánh hiện có khoảng 60 hộ nuôi ong, thuộc 16 xóm trên địa bàn với hơn 1.600 đàn. Sản lượng bình quân đạt trên 10 tấn mật/năm. Hộ nuôi nhiều nhất có tới trên 100 đàn. Đáng chú ý, phần lớn các hộ đều nuôi giống ong ta, được đưa từ rừng của địa phương về để thuần hóa, sau đó nhân đàn. Do đã được thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu ở đây nên đa số đàn ong đều rất khỏe, ít bị mắc bệnh. Tuy cho ít hơn ong nhập ngoại nhưng giống ong này lại cho chất lượng mật thơm ngon hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với mục đích liên kết các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, từ đó tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong cách nuôi và chăm sóc đàn ong, giúp gia tăng sản lượng, chất lượng mật, cuối năm 2019, Chi hội Nuôi ong lấy mật xã An Khánh, một trong những chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Hội Nông dân huyện đã được thành lập với 13 hội viên. Ông Lương Đình Tám, ở xóm Đạt, một thành viên của Chi hội Nuôi ong lấy mật xã cho biết: Thông qua tổ chức hội, chúng tôi có điều kiện để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Người đã có kinh nghiệm thì truyền cho người mới bắt đầu nuôi, từ việc tạo chúa, chia đàn cho tới cách phòng bệnh cho đàn ong… Hiện, gia đình tôi có 40 đàn ong đang phát triển khá tốt, trung bình mỗi đàn cho thu từ 10-12 lít mật/năm.
Thực tế cho thấy, nghề nuôi ong lấy mật ở xã An Khánh đã và đang góp phần gia tăng thu nhập cho bà con nơi đây. Ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thời gian tới, chúng tôi dự kiến tập trung các hộ nuôi ong lại, chuẩn bị các điều kiện để thành lập hợp tác xã nuôi ong, đăng ký tem nhãn cho sản phẩm mật ong xã An Khánh. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ong trên toàn xã…