Những năm gần đây, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại thông tin: Xã có trên 70% số hộ dân sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích gần 850ha. Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, những năm gần đây, xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai các dự án nông nghiệp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xã cũng quan tâm xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân.
Là một trong những hộ mạnh dạn đi đầu trong việc thử nghiệm trồng rau thủy canh, chị Lâm Thị Liên, ở xóm Phố chia sẻ: Từ năm 2019, gia đình tôi bắt đầu trồng thử nghiệm rau an toàn theo phương pháp thủy canh trong nhà có mái che với tổng diện tích gần 200m2. Trung bình mỗi tháng, tôi cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tạ rau các loại, giá trung bình từ 25-30 nghìn đồng/kg, cao hơn các loại rau trồng theo phương pháp thông thường từ 10-15 nghìn đồng/kg.
Cùng với chị Lâm Thị Liên, hiện ở Bản Ngoại cũng có 2 mô hình tương tự với tổng diện tích 400m2. Bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ, việc trồng các loại rau màu vụ đông hay trồng thay thế trên các diện tích đất lúa kém hiệu quả cũng góp phần đưa xã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng các vùng chuyên canh cây màu. Tổng diện tích rau màu hàng năm của xã đạt gần 350ha. Các loại rau màu chính như: Khoai lang (16ha); củ đậu (28ha); dưa hấu (17ha)…
Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo đưa các giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao như: TRI777, Long Vân, Kim Tuyên… vào sản xuất thay thế giống chè trung du. Trong 5 năm qua, xã đã trồng mới, trồng thay thế hơn 90ha, nâng tổng diện tích chè giống mới chiếm 75% diện tích chè của toàn xã. Sản lượng chè búp tươi đạt 2.640 tấn/năm. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã chè an toàn được thành lập như: Hợp tác xã chè Thanh Tình tại xóm Ba Giăng, tổ hợp tác chè VietGAP ở xóm Đồng Ngõ… Ngoài ra, nhiều loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương cũng được bà con tích cực đưa vào trồng như: Cam canh, cam vinh, bưởi diễn, nhãn… Tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt gần 26ha.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng trọt, hiện giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp của xã đạt 110 triệu đồng (cao hơn 10 triệu đồng/ha so với năm 2017). Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 37 triệu đồng/người/năm (cao hơn 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo còn 6,6% (giảm 8,1% so với năm 2017).