Chuyển hướng chăn nuôi ở Định Hóa

08:58, 27/05/2020

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện Định Hóa gây thiệt hại khoảng 34% tổng đàn lợn. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế của nhiều hộ rơi vào cảnh lao đao. Trước tình hình đó, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển hướng sang phát triển đàn gia cầm và các loại gia súc khác để đảm bảo cuộc sống.

Bình Yên là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Định Hóa từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, với số lượng lợn phải tiêu hủy trên 1.300 con. Những xóm bị ảnh hưởng nặng nề gồm: Đá Bay, Trung Tâm, Yên Hòa, Rèo Cái…  Hộ ông Hoàng Văn Trung là hộ phải tiêu hủy lợn nhiều nhất xã với trên 100 con, trong đó có 10 con lợn nái và gần 50 chục con lợn thịt sắp được xuất chuồng. Ông Trung chia sẻ: Dịch bệnh ập đến khiến gia đình tôi trắng tay. Số tiền 170 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước cũng chỉ đủ để tôi trả nợ một phần vốn vay ngân hàng. Nhưng không vì thế mà gia đình tôi lại để trống chuồng vì như vậy sẽ không có nguồn thu nhập. Sẵn kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm nay nên tôi đã quyết định vay mượn tiền của anh em bạn bè và tận dụng chuồng trại bỏ trống để chuyển sang nuôi gà, với quy mô 3.000 con. Lứa gà vừa qua, nhờ chăm sóc tốt và phòng trừ bệnh theo hướng dẫn nên đàn gà phát triển tốt, không dịch bệnh. Gia đình tôi xuất bán gà đúng thời điểm được nên thu về gần 100 triệu đồng.

Còn gia đình anh Lưu Đức Chiều, thôn Khuôn Câm, xã Quy Kỳ lại chuyển hướng sang chăn nuôi bò sau khi trên 500 con lợn của gia đình phải tiêu hủy. Ông Chiều cho biết: Sau khi được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi đã vay thêm vốn ngân hàng để mua 10 con bò giống. Vừa qua, gia đình tôi được xuất bán lần đầu 1 cặp bò mẹ con với giá 35 triệu đồng. Với số lượng bò này, ước tính mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình sẽ thu về trên 100 triệu đồng.

Chuyển hướng chăn nuôi là lựa chọn của hàng trăm hộ của huyện Định Hóa có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Bởi đến nay các hộ chưa thể tái đàn nuôi lợn do mầm bệnh có thể tồn tại rất lâu trong môi trường. Thêm nữa, bệnh dịch này chưa có vắc xin phòng và đặc trị nên nhiều hộ chưa dám nuôi lợn trở lại. 

Theo thống kê, huyện Định Hóa có trên 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn đã tiêu hủy là trên 15 nghìn con, trọng lượng gần 800 tấn. Tổng đàn lợn hiện nay của toàn huyện chỉ còn khoảng 20 nghìn con, giảm hơn một nửa so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (trên 44 nghìn con thời điểm đầu năm 2019). Ông Ma Đình Thiềm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trong tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi mới đi qua, việc các hộ chăn nuôi chuyển đổi hướng sang chăn nuôi các loại gia súc khác hoặc gia cầm thay cho nuôi lợn là điều cần thiết và dễ hiểu, đồng thời đúng với định hướng của tỉnh. Tuy nhiên, các hộ dân cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, phòng tránh dịch bệnh và không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng xã, các hộ dân nên tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông tại địa phương để chọn loại vật nuôi phù hợp, áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.