Góp phần xây dựng thương hiệu chè ở Sơn Phú

14:41, 12/05/2020

Sau khi phục vụ trong quân ngũ trở về địa phương, không có nghề nghiệp, anh phải đi làm thuê kiếm sống. Từ hai bàn tay trắng, nay anh đã làm chủ một hợp tác xã (HTX) làm ăn phát đạt. Không những vậy, anh còn động viên và giúp nhiều người vươn lên, làm giàu chính đáng. Anh là cựu chiến binh (CCB) Đặng Ngọc Hà, Chi hội trưởng Chi hội CCB Phú Hội 2, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, xã Sơn Phú (Định Hóa).

Anh Hà có dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát; tác phong làm việc khoa học, dứt khoát. Anh bảo tính cách này được rèn luyện và hình thành từ những năm tháng trong quân ngũ. Anh Hà sinh năm 1971, năm 19 tuổi, anh nhập ngũ, đóng quân tại Lữ đoàn 380. Sau đó anh được đi đào tạo tại Trường Kỹ thuật Pháo binh ở Thạch Thất (Hà Nội). Ra trường, anh về làm lính pháo ở Lữ đoàn 45 cho đến khi xuất ngũ (1993). Anh nhớ lại: Tôi trở về địa phương, bắt đầu với cuộc sống mưu sinh với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Ngày ấy, địa phương đất rộng nhưng nghèo, chỉ toàn đồi núi, người dân đã trồng chè nhưng là chè trung du, chưa biết đến việc trồng chè giống mới cho năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo hướng hàng hoá. Những năm đầu, tôi vừa làm nông nghiệp vừa phải đi làm thuê với nhiều nghề như đóng gạch, khai thác cát, sỏi…Sau này, huyện triển khai Dự án trồng chè cành ở xã, tôi đã tích cực tham gia và nhận làm khâu ươm cây giống. Kỹ thuật đóng bầu chè đã được học và làm trong thời gian tại ngũ (khi đơn vị đi tham gia làm kinh tế). Đến năm 2008, ở địa phương được thí điểm Chương trình Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác. Khi đó, vợ tôi là thành viên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các khâu sản xuất chè. Tôi vốn ham mê với cây chè nên đi “học lỏm” cách làm và biết được rất nhiều điều thiết thực, bổ ích.

Thành công đầu tiên sau đợt “học lỏm” là anh Hà nắm được cách xây lò quay tôn sao chè sau đó làm cho bà con trong vùng. Do khéo tay, làm đúng kỹ thuật nên anh được mời đi xây lò quay tôn sao chè ở nhiều nơi. Đến năm 2013, sau nhiều ngày ấp ủ, nghiên cứu, lên kế hoạch, anh đã vận động bà con thành lập HTX Chè Phú Hội với mong muốn xây dựng được quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khép kín, bài bản. HTX khi đó thu hút được hầu hết các hộ trong xóm cùng tham gia với 61 hội viên. Những năm sau đó, HTX liên tục ươm được 400 đến 900 vạn hom chè giống, đồng thời sản xuất chè an toàn bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 60 đến 70 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, sau này do một số hội viên thực hiện không tuân thủ theo nguyên tắc, quy chế nên sản phẩm không đáp ứng yêu cầu của HTX. Để xây dựng và giữ gìn thương hiệu cũng như đứng vững trên thương trường, HTX cần phải thay đổi cách quản lý và cách thức hoạt động. Đến năm 2018, anh quyết định cùng Ban Chủ nhiệm cải tổ lại HTX để hoạt động đúng theo mô hình kiểu mới trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của HTX. Vậy là HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Hội được thành lập dựa trên nền móng của mô hình cũ. Do tiêu chí và yêu cầu của HTX khá cao nên chỉ còn 11 thành viên mạnh dạn, quyết tâm đi theo mô hình mới. Nhờ các hội viên nhất trí, đồng lòng nên công tác quản lý được thực hiện hiệu quả hơn. Ban Chủ nhiệm năng động tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Phương châm hoạt động là kinh tế hộ gia đình gắn với phát triển HTX, hài hòa lợi ích giữa thành viên với lợi ích của tập thể. Với vai trò là Chủ nhiệm, anh Hà từng bước xây dựng và đăng ký thành công bản quyền thương hiệu chè của HTX. Anh chia sẻ: Việc đăng ký bản quyền thương hiệu giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc chè, yên tâm sử dụng sản phẩm. Điều này cũng là cơ sở để chúng tôi tiếp tục khẳng định thương hiệu chè của HTX trên thị trường. Riêng về giống, hàng năm, HTX cung cấp hàng triệu hom chè giống cho bà con trong và ngoài tỉnh. Các hội viên đều có việc làm ổn định và thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên. Vào lúc cao điểm, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương tham gia đóng bầu, cắt cành, cắm hom, đóng túi… với thu nhập từ 1-2 trăm nghìn đồng/người/ngày. Riêng với gia đình tôi mỗi năm thu nhập từ 400 đến 600 triệu đồng. Anh Đặng Xuân Ngọc, một thành viên HTX phấn khởi: Là hội viên của HTX, tuân thủ các quy định giúp việc sản xuất đúng quy trình, chất lượng đảm bảo nên đầu ra sản phẩm rất thuận lợi. Quyền lợi của mọi thành viên đều được đảm bảo bởi anh Hà luôn quan tâm, định hướng và có trách nhiệm với từng người và tập thể.

Trong vai trò là Chi hội trưởng CCB thôn, anh Hà luôn quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chăm lo cho đời sống của hội viên. Các hội viên khó khăn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Anh còn vận động CCB trong Chi hội xây dựng Quỹ (hiện đạt 3,5 triệu đồng/hội viên) để giúp nhau có điều kiện vươn lên. Đến nay, 15/15 hộ hội viên CCB thôn không còn ai là hộ nghèo, cận nghèo. 100% hội viên gương mẫu chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực đóng góp công sức, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới… Bản thân anh và Chi hội CCB nhiều năm được chính quyền và hội CCB các cấp biểu dương, khen thưởng.

Anh Hoàng Văn Đường, Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Phú nói: CCB Đặng Ngọc Hà là tấm gương vươn lên trong cuộc sống, luôn tiên phong tìm tòi cái mới, là người đứng ra thành lập HTX đầu tiên của xã, xây dựng nên thương hiệu chè Sơn Phú. Trong công tác hội, anh luôn gương mẫu, trách nhiệm, xây dựng chi hội vững mạnh, tích cực tham gia đóng góp về mọi mặt cho địa phương.