Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể

08:49, 20/05/2020

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) phù hợp với từng địa phương. Qua đó góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Khoảng 5 năm trước, để liên kết, tương trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 4 hộ dân tại xã Hóa Trung đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) Trồng, chăm sóc hoa phong lan dưới sự hướng dẫn, giám sát của Hội Nông dân xã. Anh Phạm Xuân Vường, xóm Na Long, Tổ trưởng THT cho biết: Năm 2016, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với ngân hàng cho THT vay 200 triệu đồng. Đây là tiền đề quan trọng giúp các thành viên có vốn đầu tư xây dựng hệ thống giàn và cây giống ban đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi được tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các vườn lan nổi tiếng do Hội tổ chức, tương trợ nhau về giống, vốn và đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, hoa lan của THT đã được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Trung bình, mỗi vườn lan của các hộ thành viên có trên 1.000 giò phong lan các loại. Hiện, toàn xã có trên 50 hộ tham gia thực hiện theo mô hình của THT cho thu nhập cao.

Tương tự, năm 2012, Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu đã vận động 22 hộ dân ở xóm 9 thành lập THT Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Phạm Thị Lan, thành viên THT chia sẻ: Tham gia THT, mọi người cùng nhau trao đổi, giúp nhau kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ đổi công. THT hoạt động hiệu quả nên chúng tôi dần gây dựng được thương hiệu, có đầu ra ổn định với giá bán cao. Hiện, gia đình tôi có 4.000m2 chè đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thu hoạch khoảng 3,6 tấn/năm. Với giá bán chè búp tươi từ 25.000-30.000 nghìn đồng/kg tùy loại (cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với chè thông thường), mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Những THT trên là hai trong hàng chục mô hình KTTT có hiệu quả cao trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Hiện, toàn huyện có 34 HTX, 31 THT nông nghiệp. Trong đó, 25 HTX, THT được thành lập dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp của Hội Nông dân. Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT là nội dung quan trọng được đưa vào trong chỉ tiêu thi đua của công tác Hội và phong trào nông dân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho trên 3.300 hộ vay, với tổng dư nợ trên 140 tỷ đồng; quản lý và sử dụng hiệu quả gần 4 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân triển khai cho 9 dự án, 86 hộ được vay. Từ năm 2019 đến nay, Hội phối hợp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 3.300 hội viên, nông dân…

Với sự hỗ trợ của Hội, nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng ngành nghề mới, củng cố nghề truyền thống, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững. Qua thực tiễn có thể khẳng định, các mô hình KTTT đã có sự liên kết nông dân với nông dân cùng phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa.