Hiện tại, giá lợn hơi đang “neo” ở mức cao, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cũng cơ bản được không chế. Do vậy, các hộ chăn nuôi lợn ở huyện Đại Từ đang quan tâm đến việc tái đàn.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện hồi đầu tháng 5-2019 và nhanh chóng lan rộng ra 30/30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ với gần 2.200 hộ. Số lợn phải tiêu hủy là hơn 28.300 con, tổng trọng lượng trên 1.800 tấn, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Sau gần một năm quyết liệt phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị và người dân, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới nên thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn đã bắt đầu tái đàn trở lại.
Chúng tôi đến xã Phục Linh, một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm phát triển khá của huyện. Hiện nay, các trang trại, gia trại, hộ dân trên địa bàn xã nuôi gần 1.200 con lợn, đạt gần 23% so với tổng đàn trước khi có dịch. Chị Lại Thị Quyên, xóm Soi cho hay: Trước khi có dịch, trang trại của tôi nuôi thường xuyên 40 con lợn nái và 400 con lợn thịt. Dịch bệnh đã khiến gần 200 con lợn của gia đình tôi bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy. Để đảm bảo an toàn, tôi đã xây dựng chuồng mới cách chuồng cũ gần 2km và được thiết kế khép kín, có khu vực thay đồ, khử khuẩn cho người chăn nuôi. Vừa qua, gia đình tôi đã xuất bán lứa lợn đầu tiên kể từ khi có dịch gồm 200 con, trọng lượng khoảng 125kg/con, đem lại lợi nhuận gần 1,7 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi đang giữ lại 150 con lợn nái để làm giống cho lứa tiếp theo chứ không nhập giống từ nơi khác, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại các xã, thị trấn khác, người chăn nuôi cũng đang dần phục hồi sản xuất, dù tỷ lệ tái đàn chưa đồng đều. Các xã có tỷ lệ tái đàn cao như: An Khánh, Văn Yên, Ký Phú, Bản Ngoại…, chủ yếu là các địa phương tập trung nhiều trang trại lớn, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn. Đến nay, tỷ lệ tái đàn lợn trung bình của toàn huyện đạt trên 10%. Nguyên nhân tỷ lệ tái đàn đạt thấp là do nhiều hộ chăn nuôi bị tổn thất quá lớn do dịch bệnh nên chưa đủ nguồn vốn đầu tư lứa mới hoặc người dân lo lắng hệ thống chuồng trại, cách chăn nuôi chưa đủ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, giá lợn giống hiện ở mức cao, trung bình khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/con giống có trọng lượng 6-7kg nên nhiều người lo ngại không đạt hiệu quả nếu tái đàn ồ ạt. Nguồn lợn giống cũng khá khan hiếm do lợn nái bị tiêu hủy nhiều. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 150 cơ sở đã chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang trâu, bò, gà, vịt… Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn của huyện thì tỷ lệ tái đàn như hiện nay không đáng lo ngại, bởi việc khôi phục sản xuất đang được thực hiện theo đúng lộ trình, ước tính khả năng cung ứng lợn thịt của huyện trong tháng 5 là trên 520 tấn và tháng 6 là gần 580 tấn thịt. Tổng sản lượng thịt năm 2020 là trên 5.800 tấn. Người dân đang có ý thức cẩn trọng hơn trong chăn nuôi, chủ yếu sử dụng nguồn giống tại địa phương, phương pháp chăn nuôi an toàn được ưu tiên áp dụng…
Nhằm hỗ trợ người dân khôi phục chăn nuôi sau dịch, bà Phan Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay: Chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại; tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; khuyến cáo bà con tái đàn theo lộ trình dựa trên hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và huyện. Về con giống, các trang trại tập trung phát triển đàn lợn giống tại chỗ để cung cấp cho bà con, trước khi xuất bán phải tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Năm 2020, huyện phấn đấu tổng đàn lợn là 70.000 con, sản lượng thịt hơi ước đạt 16.400 tấn…