Năm 2017, Hạt Kiểm lâm T.P Sông Công phối hợp với phòng Kinh tế thành phố triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng tại phường Châu Sơn, với quy mô 5ha, 18 hộ tham gia. Sau 3 năm trồng, đến nay, cây ba kích tím đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại hiệu quả cao và có thể nhân rộng.
Trước đây, trên những vạt rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Chính, ở xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn chỉ có duy nhất 1 loại cây keo. Cuối năm 2017, sau khi được tham gia lớp tập huấn, anh Chính đã đưa vào trồng thử nghiệm cây ba kích tím dưới tán rừng với diện tích 2ha. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Chính chia sẻ: Ba kích tím tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần chú ý là khâu làm cỏ và bón phân khi cây còn nhỏ. Vì ở giai đoạn này, cỏ cần phải làm sạch và cây đủ dinh dưỡng để có thể leo lên cao. Ngoài ra, cần chú ý tưới nước vào mùa khô và kiểm tra thường xuyên để diệt trừ kịp thời sâu cắn ngọn và lá non.
Hiện nay, diện tích ba kích tím của gia đình anh Chính trồng đã được 3 năm. Mới đây, qua kiểm tra thử, ba kích đã có trọng lượng trung bình 1,5 kg/củ. Nếu tính trên toàn bộ khoảng 4.000 cây trên diện tích 1ha thì sản lượng đã đạt 6 tấn củ tươi. Với giá bán trung bình hiện nay là 100.000 đồng/kg thì gia đình anh Chính đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do ba kích để càng lâu năm thì sản lượng, chất lượng dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán càng cao hơn. Vì vậy, gia đình anh Chính vẫn tiếp tục chăm sóc cây ba kích tím, sau 2 năm nữa mới tiến hành khai thác.
Theo Đông y, ba kích tím có nhiều tác dụng như: Bổ thận, tráng dương, trị các bệnh đau khớp, đau lưng, tốt cho người già mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ... Do là vị thuốc quý nên những năm gần đây thị trường của cây ba kích tím có nhiều tiềm năng. |
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài gia đình anh Chính, trên địa bàn phường Châu Sơn còn có 17 hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng ba kích tím dưới tán rừng với diện tích 5ha. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là gần 430 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước là 219 triệu đồng, còn lại do nhân dân đối ứng. Tham gia mô hình, bà con được tập huấn từ khâu chuẩn bị đất trồng, lựa chọn cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, kỹ thuật khai thác và sơ chế, bảo quản sản phẩm sau khai thác. Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện cho thấy, phương thức trồng dưới tán rừng khá phù hợp với cây ba kích, tỷ lệ sống trung bình đạt trên 85%. Anh Đồng Đức Phương, Chủ tịch UBND phường Châu Sơn đánh giá: Trồng cây ba kích tím dưới tán rừng, bà con tận dụng được diện tích đất lâm nghiệp để lấy ngắn nuôi dài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập. Sau khi thu hoạch cây ba kích, người dân vẫn giữ nguyên thu nhập từ rừng keo.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Huân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm T.P Sông Công cho biết: Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy, các hộ tham gia mô hình đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, đảm bảo cây sinh sinh trưởng tốt và đã cho ra củ. Sản phẩm ba kích tím của bà con cũng đã có một số đơn vị đến đặt mua. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con mở rộng quy mô trồng cây ba kích trên địa bàn, phát triển thành vùng nguyên liệu hàng hóa.
Có thể thấy, kết quả bước đầu thu được từ việc trồng xen cây ba kích dưới tán rừng ở phường Châu Sơn (T.P Sông Công) không chỉ tạo cơ hội cho người dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật, khai thác tốt tiềm năng tự nhiên mà còn góp phần khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tự nhiên quý. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.