Sản xuất chè hữu cơ có phải là hướng đi đúng đắn không? Câu trả lời chúng tôi nhận được từ nhà quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng đều có chung một nội dung là: Đúng hướng, hiệu quả, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Dù vậy, hiện nay, diện tích chè sản xuất an toàn hữu cơ trên địa bàn tỉnh chưa cao so với tiềm năng của địa phương. Với 22.300ha chè hiện có, nhưng Thái Nguyên chỉ có khoảng 50ha chè sản xuất hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Ông Nguyễn Văn Thắng, ở xóm Hồng Thái 2 - là một trong những người đầu tiên sản xuất chè theo hướng hữu cơ ở vùng chè đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên) nhận định: Sản xuất chè theo hướng hữu cơ giúp cho tuổi thọ cây chè cao hơn, năng suất ổn định, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì cho rằng: Sản xuất chè hữu cơ là nhu cầu tất yếu bởi quá trình trồng, chăm bón sẽ giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học. Từ đó, tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.
Không dừng lại ở đó, sản xuất chè hữu cơ còn giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán mỗi ki-lô-gam chè búp khô sẽ cao hơn khoảng 30 đến 50% so với sản phẩm chè sản xuất theo phương thức truyền thống. Đặc biệt hơn, sản phẩm chè an toàn hữu cơ đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính ở châu Âu, châu Mỹ… Về phía tỉnh, để khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn hữu cơ đã hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến, hỗ trợ giá giống…
Dù sản xuất chè hữu cơ có nhiều ưu điểm như vậy nhưng hiện nay, diện tích chè đạt chuẩn hữu cơ của tỉnh còn rất khiêm tốn. Ông Hoàng Văn Dũng cho biết thêm: Thái Nguyên hiện có nhiều nơi đã sản xuất chè theo hướng hữu cơ, trong đó mới đây nhất là mô hình 60ha, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai tại các xã Phúc Trìu, (T.P Thái Nguyên), Bình Sơn (T.P Sông Công), thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương), Phú Xuyên và La Bằng (Đại Từ). Tuy nhiên diện tích sản xuất an toàn hữu cơ của tỉnh thì chỉ có 50ha chè ở thị trấn Sông Cầu (Đông Hỷ), thuộc mô hình của Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoan 2017-2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên làm chủ dự án.
Như vậy có thể thấy, đến nay, hầu như chưa có địa phương hay hộ dân nào trong tỉnh chủ động xây dựng các mô hình sản xuất chè hữu cơ. Nguyên nhân là do rất khó để phân biệt giữa các loại chè nên nhiều khi sản phẩm chè sản xuất hữu cơ vẫn bị đánh đồng với những sản phẩm chè không sản xuất theo phương thức này. Thực tế này khiến cho người trồng chè còn dè dặt, chưa mạnh dạn sản xuất chè hữu cơ.
Do đó, để tăng diện tích chè sản xuất hữu cơ, bên cạnh thực hiện các mô hình điểm, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh là rất cần thiết. Nhất là việc tiếp tục tuyên truyền, giảm thiểu phiền hà, rắc rối trong các quy trình, thủ tục cấp chứng nhận để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang sản xuất chè. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng nên làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất chè hữu cơ; thu hút các doanh nghiệp, người sản xuất, đặc biệt là người sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi để thúc đẩy sản xuất lớn, cạnh trạnh cao; kiểm soát tốt đầu vào trong khâu sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; có chính sách bảo vệ những cơ sở sản xuất chè hữu cơ cũng như các biện pháp giúp người tiêu dùng phân biện được sản phẩm chè hữu cơ với các sản phẩm chè khác; hỗ trợ bà con quảng bá sản phẩm…
Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, người sản xuất, để chè hữu cơ thật sự có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vai trò của người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Bởi vậy, người tiêu dùng hãy luôn là những nhà thông thái, luôn tôn vinh, sử dụng sản phẩm chè an toàn, trong đó có chè hữu cơ và nói không với các sản phẩm kém chất lượng…